Tìm Hiểu Về Công Nghệ Trị Nám Bằng Điện Di Và Mesotherapy

Bài viết Tìm Hiểu Về Công Nghệ Trị Nám Bằng Điện Di Và Mesotherapy được dịch bởi Bác sĩ Phạm Tăng Tùng từ Sách “ĐIỀU TRỊ NÁM Ở NGƯỜI CHÂU Á” của tác giả Maria Suzanne L.Datuin

1. GIỚI THIỆU

Nám là rối loạn sắc tố mạn tính, mắc phải ảnh hưởng đến nhiều người trên toàn thế giới. Phương pháp điều trị nám chủ yếu hiện nay là thuốc bôi làm trắng như hydroquinone, kojic acid, arbutin, và azelaic acid. Các thủ thuật thẩm mỹ thường được xem là lựa chọn điều trị hàng hai gồm peel hóa chất, IPL, và nhiều loại laser khác với tỉ lệ thành công khác nhau [1]. Do đó, cần nghiên cứu thêm các phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, khả thi, tiết kiệm và có thể cho kết quả điều trị lâu dài. Chương này sẽ tập trung bàn luận về những bằng chứng hiện có về hai thủ thuật điều trị khác thường được dùng trong điều trị nám: điện di và mesotherapy.

Điều trị nám bằng công nghệ điện di
Điều trị nám bằng công nghệ điện di

2. ĐIỆN DI

Điện di làm tăng vận chuyển qua màng của cả các phân tử tích điện và không tích điện bằng cách áp lên da một điện cực nhằm thúc đẩy chuyển động của những phân tử này. Phương pháp này dựa trên nguyên lí cơ bản là tích điện cùng dấu thì đẩy và trái dấu thì hút [2]. Điện di được sử dụng trên da còn được gọi là điện di qua da [3].

Trong điều kiện bình thường, bản chất ưa mỡ của da làm hạn chế sự xâm nhập của các hợp chất có trọng lượng phân tử cao, ưa nước và tích điện [2]. Hàng rào chính ngăn cản sự vận chuyển của các phân tử này là lớp sừng thượng bì, lớp này dày khoảng 10-100 µm [3]. Điện di làm tăng hấp thu những phân tử này mà không gây tổn hại đến da và thông qua ba con đường chính là đi qua tế bào, đi qua khoảng trống giữa các tế bào hoặc đi qua các thành phần phụ của da [3, 4].

Các ưu điểm của phương pháp điện di gồm vận chuyển không xâm lấn các thuốc được và không được ion hóa, tăng vận chuyển các hợp chất có trọng lượng phân tử lớn, phân cực, và có thể kết thúc vận chuyển thuốc dễ dàng và kiểm soát được, hàng rào da được phục hồi ngay sau đó mà không gây kích ứng da nặng [2]. Thời gian điều trị từ 10 tới 30 phút, hầu hết các ion đi qua da trong khoảng thời gian 8-15 phút, sau 30 phút không còn nhiều ion đi qua da [4].

Trong lịch sử, điện di đã được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý da liễu như mụn cóc, làm mềm mô sẹo, và chăm sóc vết thương [2, 5]. Các ứng dụng khác của điện di gồm vận chuyển thuốc tê qua da (ví dụ: lidocain), steroid, retinoids, cũng như loại bỏ tạm thời tình trạng tăng tiết mồ hôi lòng ban tay, bàn chân [3, 5].

2.1. Vitamin C

Trong các nghiên cứu về điện di điều trị nám, vitamin C là phân tử được sử dụng nhiều nhất. Hiệu quả của vitamin C trong nám là dựa vào khả năng chống oxi hóa, giảm tổng hợp o-quinone và giảm oxi hóa melanin [6, 7]. Vitamin C (L-ascorbic acid) là một ion tích điện âm trong dung dịch và có thể được vận chuyển qua da  để điều trị nám [5]. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị oxi hóa và phân hủy trong dung môi nước. Do đó, các dạng ổn định hơn của vitamin C đã được sử dụng như magne- sium-L-ascorbyl-2-phosphate (MAP) và ascorbyl glucoside [5, 6].

Một trong những thử nghiệm lâm sàng về điện di vitamin C điều trị nám là nghiên cứu được tiến hành ở Hàn Quốc trên 15 đối tượng bệnh nhân. Vitamin C được bôi dưới điện cực mang dòng điện 1 chiều 0.4-0.8 A trong 15 phút, liệu trình điều trị 2 lần mỗi tuần trong vòng 6 tuần. Kết quả được đánh giá bằng thang điểm MASI và hệ số phản xạ ánh sáng đo bằng sắc kế (colorimeter) ở thời điểm trước điều trị và cuối nghiên cứu. Kết quả cho thấy có sự cải thiện điểm số MASI và hệ số phản xạ ánh sáng cũng như cải thiện nám rõ trên lâm sàng [8].

Sau thử nghiệm lâm sàng này, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng sử dụng vitamin C cũng đã được tiến hành ở Hàn Quốc trên 29 phụ nữ bị nám. Vitamin C, dạng dung dịch MAP 3.75%, đã được bôi lên một nữa mặt, nữa mặt còn lại sử dụng nước cất để làm nhóm chứng. Điện di được tiến hành với dòng điện một chiều 0.5 mA trong 8 phút, liệu trình 2 lần mỗi tuần trong 12 tuần. Kết quả được đánh giá bằng thang điểm MASI và sự thay đổi giá trị độ chói (L-value) được ghi nhận bằng sắc kế, và đánh giá của bệnh nhân trên thang đánh giá 5 điểm. Kết thúc nghiên cứu, ảnh chụp lâm sàng cho thấy sự cải thiện chỉ xuất hiện ở nữa mặt được điều trị với vitamin C. Giá trị L-value cũng giảm ở phần mặt được điều trị (p=0.002) và điều này đã không xảy ra với nhóm chứng (p=0.142). Tuy nhiên, các bệnh nhân cho rằng họ có cải thiện ở cả hai bên, điều này có thể giải thích bởi hiệu ứng giả dược. Các tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua như cảm giác châm chích nhẹ, cảm giác shock điện nhẹ, ngứa, hồng ban, và khô da. Các tác giả kết luận rằng điện di vitamin C là phương pháp điều trị nám hiệu quả [6].

Hình ảnh minh họa Vitamin C
Hình ảnh minh họa Vitamin C

2.2. So sánh vitamin C và glycolic acid

Các nghiên cứu so sánh vitamin C cũng đã được tiến hành, đặc biệt là với peel glycolic acid. Một nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của điện di C và peel glycolic acid 30% trên 34 bệnh nhân nám được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất được điều trị chỉ bằng vitamin C, nhóm thứ hai chỉ điều trị bằng peel da, và nhóm cuối cùng được điều trị bằng cả 2 phương pháp. Điện di được thực hiện mỗi tuần trong vòng 12 tuần, dưới dòng điện một chiều 0.3 mA/cm2 trong 6 phút. Trong khi đó, thời gian tiếp xúc của acid khi peel là 2 phút. Kết quả được đánh giá bằng thang điểm mMASI (MASI điều chỉnh) và chỉ số melanin được do bằng Mexameter. Kết thúc ng- hiên cứu, tất cả các nhóm đều có điểm số mMASI và chỉ số melanin thấp hơn so với ban đầu (p<0.05) [9].

Gần đây, một nghiên cứu mù đơn đã được thực hiện để so sánh vitamin C bôi với glycolic acid peel 70%. Mười bốn bệnh nhân có phân loại da type IV và V đã tham gia vào nghiên cứu, mỗi bệnh nhân được peel glycolic acid ở nữa mặt bên phải, nữa mặt bên trái được điện di 0.5 ml dung dịch chứa 10% ascorbic acid li- poson với dòng điện 50 mA trong 10 phút. Mỗi người được điều trị tổng cộng 6 lần. Ảnh chụp kĩ thuật số, điểm MASI và đánh giá tổng quan được ghi nhận tại thời điểm trước nghiên cứu và sau khi hoàn tất nghiên cứu.

Kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể ở cả hai bên mặt, nhưng bên mặt được điều trị bằng nanosome vitamin C có mức độ cải thiện cao hơn với 43% giảm điểm MASI (so với 22% đối với mặt phải) khi kết thúc nghiên cứu. Đánh giá tổng quát bởi bệnh nhân, bác sĩ và hai bác sĩ mù đôi (không được biết bên nào peel bên nào điều trị vitamin C) cũng cho thấy mức độ cải thiện cao hơn ở phía được điều trị bằng vitamin C. Các tác giả kết luận rằng điện di nanosome vitamin C là phương pháp điều trị nám an toàn, hiệu quả và tốt hơn so với peel glycolic acid [10].

2.3. So sánh vitamin C và hỗn hợp multivitamin

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, hai nữa mặt, mù đôi khác trên 20 phụ nữ Hàn Quốc đã được tiến hành để so sánh vitamin C với hỗn hợp multivitamin chứa A, D, E, B1, B2, B5, B6, C, và nicotinamide. Vitamin C được bôi lên một bên mặt, và multivitamin được bôi lên mặt còn lại. Điện di được thực hiện 2 bên mặt trong 6 phút, bệnh nhân được bôi kem chống nắng sau đó. Tất cả bệnh nhân đều được điều trị 2 lần mỗi tuần trong 12 tuần. Kết quả được đánh giá thông qua L-value và tự đánh giá của bệnh nhân tại thời điểm trước điều trị, 6 tuần và 12 tuần.

Vào thời điểm 6 tuần, các bệnh nhân thấy da sáng hơn ở cả hai bên mặt và kéo dài cho đến tuần thứ 12. Tại thời điểm kết thúc nghiên cứu, cả hai bên mặt đều có L val- ue giảm và hiệu quả tương đương nhau. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm (p>0.05). Tác dụng phụ đối với cả hai loại điều trị là cảm giác châm chích, hồng ban, và ngứa, tỉ lệ này ít hơn đối với bên được điều trị bằng multivita- min [7].

2.4. Thiết bị điện di tại nhà

Nghiên cứu mới nhất về điện di vitamin C điều trị nám có liên quan đến một thiết bị có thể dùng tại nhà gọi là mặt nạ điện di toàn mặt (full-face iontophoresis mask-FFIM). Mặt nạ FFIM được cấu tạo từ gel tương hợp sinh học có mặt sau dính để có thể tiếp xúc trực tiếp với toàn bộ khuôn mặt. Thiết bị này được kết nối với nguồn điện 6-V có đầu ra 1.8 µA/cm2. Trong một nghiên cứu lớn hơn trên 101 bệnh nhân bị tăng sắc tố sau viêm (PIH) và nám, thì kết quả thu được cho thấy 35 bệnh nhân nám được điều trị bằng mask FFIM với vitamin C (ascorbyl glucoside 20%) và một sản phẩm chăm sóc da chứa AHA đã được báo cáo. Tất cả bệnh nhân đều được bôi kem chống nắng. Hầu hết các bệnh nhân có phân loại da ánh sáng III, IV và V.

Sau một lần điều trị tại phòng khám, bệnh nhân sau đó được sử dụng FFIM với ascorbyl glucoside tại nhà. Mặt nạ FFIM được sử dụng trong 1h, 3 lần một tuần trong 1-2 tháng, phối hợp với sản phẩm chăm sóc da đã đề cập ở trên. Những bệnh nhân này được theo dõi từ 1 đến 54 tháng, thời gian theo dõi trung bình là 26 tháng. Mức độ cải thiện trung bình của các rối loạn tăng sắc tố là 73%, trong đó có 22/35 bệnh nhân cải thiện trên 50%. Tác giả kết luận rằng sử dụng mặt nạ FFIM có thể làm tăng hiệu quả của vitamin C, giúp đạt hiệu quả lâm sàng cao hơn, và việc sử dụng thêm sản phẩm chăm sóc da sẽ giúp kéo dài kết quả đạt được [5].

2.5. Glutathione

Glutathione (GSH) là thiol trọng lượng phân tử thấp có nhiều trong tế bào của động vật có vú. Chất này được cấu tạo từ amino acid L-cystein, glutamate, và glycine và tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng như bảo vệ tế bào thông qua chuyển hóa các vật thể ngoại lai và chất sinh ung thư. Glutathion ở nồng độ cao có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp melanin theo một số cơ chế. Các cơ chế này gồm tăng sản xuất sắc tố sáng màu hơn, pheomelanin nhiều hơn eumelanin; trức tiếp hoặc gián tiếp tác động lên enzyme tyrosinase; loại bỏ các gốc tự do và phóng xạ làm tăng hoạt động của tyrosinase [11].

Điện di GSH đã được sử dụng bởi một tác giả trong một nghiên cứu pilot (nghiên cứu sơ bộ) open-label trên 10 bệnh nhân Filippin bị nám ở 2 bên má, tất cả đều có phân loại da type IV, với liệu trình điều trị 8 lần cách nhau mỗi tuần. Dung dịch GSH 12% (600 mg/5 ml), 1 ml, được bôi lên dát tăng sắc tố dưới dòng điện một chiều. Do GSH là phân tử tích điện âm, nên điện cực âm được sử dụng trong trường hợp này. Điện di được thực hiện trong 8 phút mỗi bên mặt, còn vùng trán được sử dụng làm nhóm chứng. Bệnh nhân sau đó được hướng dẫn chống nắng và tránh nắng cẩn thận.

Ảnh chụp và thang điểm mMASI được ghi nhận tại thời điểm trước điều trị và 1 tuần sau lần điều trị cuối cùng. Chỉ số melanin (được đọc bằng Mexameter) của 2 bên má và vùng chứng (trán) được ghi nhận trước khi điều trị, sau mỗi 4 lần điều trị, và 1 tuần sau lần điều trị cuối cùng. Đánh giá tổng quát của bệnh nhân sử dụng thang điểm 5 điểm được tiến hành sau 8 lần điều trị. Kết thúc nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy có sự giảm đáng kể điểm mMASI (p=0.0015), cũng như thấy rõ trên ảnh chụp. Chỉ số melanin cũng giảm ở cả hai bên má (p=0.0108), nhưng không giảm ở vùng chứng (p=0.5619). Sáu bệnh nhân tự đánh giá cải thiện mức độ nhẹ đến trung bình trong khi đó có 4 bệnh nhân đánh giá cải thiện rất tốt (hình 17.1, 17.2, 17.3, và 17.4). Tác dụng phụ gồm đỏ da thoáng qua ở vùng được điều trị và cảm giác shock điện nhẹ. Do đo có thể rút ra kết luận rằng điện di glutathione có thể được xem là phương pháp điều trị hỗ trợ an toàn và hiệu quả đối với nám.

Hình 17.1 Trước điều trịHình 17.2 Sau điều trị
Hình 17.1 Trước điều trị                                                                        Hình 17.2 Sau điều trị

3. MESOTHERAPY

Mesotherapy là kĩ thuật đưa thuốc hoặc hoạt chất vào lớp bì hoặc mô dưới da thông qua tiêm nhiều điểm vào da. Tất cả các hợp chất có thể tiêm mạch máu đều có thể sử dụng ngoại trừ dung môi cồn và dầu [12]. Có 2 nghiên cứu về việc  sử dụng mesotherapy trong điều trị nám, cả hai nghiên cứu đều sử dụng hoạt chất tranexamic acid

Hình 17.3 Trước điều trịHình 17.4 Sau điều trị
Hình 17.3 Trước điều trị                                                      Hình 17.4 Sau điều trị

3.1. Tranexamic acid

Tranexamic acid (TA), một chất ức chế plasmin, là một chất tổng hợp tương tự amino acid lysine [12]. TA ức chế nghịch đảo vị trí gắn của lysine trên phân tử plasminogen và ngăn chất hoạt hóa plasminogen chuyển plasminogen thành plas- min [13, 14]. Plasmin là một enzyme phân hủy protein (protease) thúc đẩy sự bài tiết arachidonic acid trong tế bào đồng thời làm tăng nồng độ hormone kích thích alpha-melanocyte (α-MSH). Cả hai chất này đều được biết là có khả năng làm tăng tổng hợp melanin của tế bào melanocyte [15].

TA ức chế hoạt hóa plasmin gây ra bởi UV bằng cách ngăn plasminogen gắn vào tế bào sừng, từ đó làm giảm lượng arachidonic acid tự do, dẫn đến làm giảm nồng độ prostaglandin, chất này được biết đến có khả năng làm tăng hoạt động của tyrosinase trong tế bào melanocyte [12, 15, 16]. Prostaglandins D2, E2, và F2 được báo cáo là làm tăng quá trình sinh tổng hợp melanin [12].

Mesotherapy TA điều trị nám ở người châu Á được thực hiện đầu tiên ở Hàn Quốc. Tám mươi lăm phụ nữ có phân loại da Fitzpatrick IV-V đã tham gia vào một nghiên cứu sơ bộ (pilot, open-label), những bệnh nhân này được tiêm trong da 0.5 ml TA (4 mg/ml) tại vùng tăng sắc tố mỗi tuần. Sau khi ủ tê, tiến hành tiêm các mũi tiêm với khoảng cách 1 cm. Nghiên cứu được thực hiện trong 12 tuần, được đánh giá lâm sàng và ghi nhận điểm MASI mỗi 4 tuần. Khi kết thúc nghiên cứu ở tuần thứ 12, đánh giá bệnh nhân được tiến hành bằng bộ câu hỏi về mức độ hài lòng. Kết quả cho thấy điểm MASI giảm đáng kể ở tuần thứ 8 và 12 (p<0.05 cho cả hai thời điểm) so với trước điều trị. Các tác giả đã quan sát thấy rằng kể từ tuần 8 trở đi, không chỉ độ đậm của tổn thương giảm, mà diện tích vùng nám cũng giảm sau đó. Tuy nhiên, chỉ 8/85 bệnh nhân (9.4%) tự đánh giá cả thiện tốt (sáng lên 51-75%), trong khi đó phần lớn bệnh nhân (65/85, 76.5%) đánh giá mức độ cải thiện nhẹ (26-50%). Không bệnh nhân nào đánh giá kết quả rất tốt (cải thiện >75%), và 12.85 (14.1%) bệnh nhân đánh giá cải thiện kém (<25%). Không tác dụng phụ nào quan sát thấy trong nghiên cứu [12].

Một nghiên cứu gần đây đã so sánh hai phương pháp đưa TA vào da trên bệnh nhân nám: phương pháp mesotherapy (tiêm vi điểm) và lăn kim vi điểm (mi- croneedling). Microneedling là thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng thiết bị cầm tay được gắn với rất nhiều kim nhỏ (thường được gọi là dermaroller) để lăn lên da nhằm tạo ra hàng trăm kênh nhỏ giúp vận chuyển các hoạt chất hoặc thuốc vào da. Thông thường, sau khi lăn một vài pass thì tiến hành bôi sản phẩm/thuốc trực tiếp lên da khi những kênh này còn đang mở. Phương pháp này giúp đưa trực tiếp hoạt chất vào da mà bình thường chúng thường rất khó hoặc mất thời gian rất lâu để có thể hấp thụ vào da nếu chỉ bôi trên bề mặt, chẳng hạn như các loại protein sẽ không được hấp thu qua da lành nếu chỉ bôi bên ngoài da lành [15]. Microneedling còn có những ứng dụng khác trong da liễu, hầu hết là giúp trẻ hóa da và điều trị sẹo trứng cá.

Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên không mù đôi trên 60 bệnh nhân có phân loại da Fitzpatrick IV-V, một nửa bệnh nhân (nhóm 1) được tiêm vi điểm TA (4 mg/ ml) bằng kim meso 4 mm vào vùng da nám. Một nửa bệnh nhân (nhóm 2) được lăn kim với độ dài kim 1.5 mm và đường kính đầu kim là 0.25 mm. Sau khi lăn từ 4-5 pass, tiến hành bôi trực tiếp dung dịch TA, thủ thuật sau đó được lặp lại thêm 4-5 lần nữa. Điều trị được tiến hành 3 lần, cách nhau 1 tháng, sau đó bệnh nhân được theo dõi thêm 3 tháng nữa. Kết quả được đánh giá bằng thang điểm MASI, đánh giá tổng quát bởi bác sĩ và bệnh nhân, đánh giá qua ảnh chụp trên lâm sàng. Cả hai phương pháp đưa TA vào da đều làm giảm đáng kể điểm MASI ở thời điểm sau 3 tháng theo dõi so với trước điều trị. Nhóm được lăn kim có mức độ cải thiện tốt hơn nhưng sự khác biệt về hiệu quả giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê. Các tác giả cho rằng lăn kim vi điểm giúp đưa thuốc vào sâu hơn và đồng đều hơn nên đạt hiệu quả cao hơn [16].

4. KẾT LUẬN

Các nghiên cứu ở trên cho thấy điện di vitamin C là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị ngắn hạn và dài hạn nám. Mặc dù có nhiều dạng vitamin C khác nhau, nhưng tất cả đều cho kết quả điều trị tốt. Điện di glutathione cũng là một thủ thuật an toàn và hiệu quả, phương pháp này có thể hỗ trợ tốt điều trị nám. Đây là phương pháp đơn giản, chỉ mất một vài phút để thực hiện và không đau đớn cũng như không cần nghỉ dưỡng. Tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua, bệnh nhân thường dung nạp tốt.

Mesotherapy với TA cũng được xem là thủ thuật an toàn và hứa hẹn là phương pháp điều trị phối hợp tốt đối với nám. Dựa trên các nghiên cứu ở trên, tiêm trong da TA là một thủ thuật mang lại hiệu quả tương đối nhanh và không có tác dụng phụ nhiều. Do chỉ một lượng nhỏ thuốc được đưa vào da qua tiêm vi điểm, nên khả năng hấp thu và gây tác dụng phụ hệ thống là rất thấp.

Cả hai thủ thuật trên đều giúp hỗ trợ đưa các phân tử hoạt chất vào da mà bình thường rất khó được hấp thu qua da ở nồng độ lí tưởng, từ đó giúp đạt hiệu quả cải thiện trên lâm sàng tốt hơn. Tuy nhiên, kích thước mẫu của các nghiên cứu này nhỏ và có lẽ là cần thêm các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sarkar R, Chugh S, Garg VK. Newer and upcoming therapies for melasma. Indian J Der- matol Venereol 2012;78(4):417–28.
  2. Khan A, Yasir M, Asif M, Chauhan I, Singh A, Sharma R, et Iontophoretic drug delivery: history and applications. J App Pharm Sci. 2011;1(3):11–24.
  3. Rawat S, Vengurlekar S, Rakesh B, Jain S, Srikarti G. Transdermal delivery by iontopho- resis. Indian J Pharm Sci. 2008;70(1):5–10.
  4. Rukari TG, Alhat BR. Iontophoresis: an electrically assisted drug delivery system. J Adv Drug 2014;1(1):58–70.
  5. Taylor MB, Yanaki JS, Draper DO, Shurtz JC, Coglianese M. Successful short-term and long- term treatment of melasma and postinflammatory hyperpigmentation using vita- min C with a full-face iontophoresis mask and a mandelic/malic acid skin care regimen. J Drugs Dermatol. 2013;12(1):45–50.
  6. Huh CH, Seo KI, Park JY, Lim JG, Eun HC, Parl A randomized, double-blind, placebo- controlled trial of vitamin C iontophoresis in melasma. Dermatol. 2003;206(4):316–20.
  7. Choi YK, Rho YK, Yoo KH, Lim YY, Li K, Kim BJ, et Effects of vitamin C vs. multivitamin on melanogenesis: comparative study in vitro and in vivo. Int J Dermatol. 2010;49(2):218–26.
  8. Yoo JM, Park HJ, Choi SW, Kim Vitamin C – iontophoresis in melasma. Korean J Dermatol. 2001;39(3):285–91.
  9. Kim S, Oh SY, Lee Comparative study of glycolic acid peeling vs. Vitamin C-iontophore- sis in melasma. Korean J Dermatol. 2001;39(12):1356–63.
  10. Sobhi RM, Sobhi A single-blinded comparative study between the use of glycolic acid 70% peel and the use of topical nanosome vitamin C iontophoresis in the treatment of melasma. J Cosmet Dermatol. 2012;11(1):65–71.
  11. Handog EB, Datuin MS, Singzon An open-label, single-arm trial of the safety and effica- cy of a novel preparation of glutathione as a skin-lightening agent in Filipino women. Int J Dermatol. 2016;55(2):153–7.
  12. Lee JH, Park JG, Lim SH, Kim JY, Ahn KY, Kim MY, et Localized intradermal microinjec- tion of tranexamic acid for treatment of melasma in Asian patients: a preliminary clinical trial. Derm Surg. 2006;32:626–31.
  13. Tse TW, Hui Tranexamic acid: an important adjuvant in the treatment of melasma. J Cos- met Dermatol. 2013;12(1):57–66.
  14. Cho HH, Choi M, Cho S, Lee Role of oral tranexamic acid in melasma patients treated with IPL and low fluence QS Nd:YAG laser. J Dermatolog Treat. 2013;24(4):292–6.
  15. Malathi M, Thappa Systemic skin whitening/lightening agents: what is the evidence? Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2013;79(6):842–6.
  16. Budamakuntla L, Loganathan E, Suresh DH, Shanmugam S, Suryanarayan S, Dongare A, et al. A randomised, open-label, comparative study of tranexamic acid microinjections and tranexamic acid with microneedling in patients with melasma. J Cutan Aesthet Surg. 2013;6(3):139–43.

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề

 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *