PHÒNG NGỪA VÀ XỬ TRÍ BIẾN CHỨNG THẨM MỸ DA

Bài viết PHÒNG NGỪA VÀ XỬ TRÍ BIẾN CHỨNG THẨM MỸ DA được thực hiện bởi PGS.TS.BS Văn Thế Trung Trưởng Bộ môn Da liễu – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

1. Mở đầu

Những năm gần đây, cách tiếp cận điều trị mới để chống lão hóa và thay đổi ngoại hình cơ thể được ứng dụng rộng rải trong thẩm mỹ da. Các nghiên cứu rộng rãi về lĩnh vực này cung cấp kiến thức chuyên sâu và sự hiểu biết cặn kẽ về cấu trúc giải phẫu sinh lý của khuôn mặt biến đổi bởi tuổi tác.. Các quy trình kỹ thuật thẩm mỹ thường dùng hiện nay bao gồm tiêm botolinium toxin, tiêm chất làm đầy, châm kim, lột da bằng hóa chất, laser, sóng RF, sóng siêu âm hội tụ, căng chỉ, tiêm tiêu mỡ. Thật không may, nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên thiếu hiểu biết sâu rộng và kỹ năng chưa lành nghề đã mang đến nguy cơ gây biến chứng của các kỹ thuật ít xâm lấn.

2. Biến chứng do tiêm Botulinum toxin A (BoNTA)

Tiêm botulinum toxin
Tiêm botulinum toxin

Trong thẩm mỹ da được dùng hiệ nay (bao gồm chính thức và không chính thức) để điều trị các nếp nhăn trán, nhăn châu mày, nhăn chân chim, nếp nhăn quanh miệng, nhăn cổ .. BoNTA được xem là chất sinh học có nguy cơ thấp. Tác dụng phụ được chia thành thoáng qua, sớm, kéo dài. Đa số là thoáng qua, hiếm khi kéo dài, và không có biến chứng nào vĩnh viễn. Các tác dụng phụ sớm bao gồm dị ứng, nhức đầu, đau chỗ tiêm, bầm chỗ tiêm. Biến chứng muộn hơn bao gồm dãn quá mức cơ làm sụp mi tạm thời hoặc tạo nếp nhăn mới (trán), xếch mắt, mặt không cân, lệch miệng .. Tất cả biến chứng muộn này có thể phòng ngừa dễ dàng nếu hiểu biết về giải phẫu và sử dụng liều lượng hợp lý. Hình thành kháng thể là khả năng tiềm tàng cần được quan tâm làm cho giảm tác dụng của BoNTA.

3. Biến chứng do tiêm chất làm đầy

Tiêm làm đầy
Tiêm làm đầy

Ngày nay có hàng trăm loại chất làm đầy khác nhau được lưu hành trên thế giới nhưng rất ít trong số đó có số liệu nghiên cứu đầy đủ. Chất làm đầy phổ biến nhất là hyaluronic acid (HA), calcium hydroxylapatite (CaHa), collagen, poly-L-lactic acid (PLLA), polymethyl metharcrylate (PMMA), mỡ tự thân. Chất làm đầy có loại có khả năng giáng hóa sinh học (tạm thời) hoặc loại không giáng hóa sinh học (vĩnh viễn). Biến chứng không nghiêm trọng bao gồm đau chỗ tiêm, bầm máu, tiêm không đều, vón cục, thay đổi màu da tại chỗ. Biến chứng hiếm gặp như dị ứng, hình thành mô hạt, nhiễm trùng với sự hình thành biophim của quần thể vi khuẩn. Biến chứng đáng lo ngại nhất thuộc về kỹ thuật tiêm đó là tắc mạch gây hoại tử da và có thể gây mù mắt. Các biến chứng này từng được xem là biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên với việc sử dụng tràn lan bởi các kỹ thuật tiêm sai và thiếu hiểu biết về giải phẫu thì gần đây có nhiều báo cáo, tin tức về biến chứng nghiêm trọng này. Hyaluronidase dùng ly giải HA với liều lượng đã được hướng dẫn. Hữu hiệu trong điều trị các biến chứng nhẹ như vòn cục, tắc mạch nông..Tuy nhiên, việc cứu vãn nguy cơ mất thị lực khi đã xảy ra còn tùy thuộc nhiều yếu tố và dường như không hiệu quả cao, đã cảnh báo rằng việc tiêm đúng kỹ thuật, tránh tiêm lượng nhiều, áp lực cao và tránh vùng nguy cơ cao là giải pháp tốt nhất.

4. Biến chứng do châm kim

Đây là kỹ thuật xâm lấn. Tác dụng phụ là đau và chảy máu ít. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là lây nhiễm từ bàn tay kỹ thuật viên. Ngoài ra, rác thải y tế của kim châm chưa được quản lý ở các spa cũng có thể mang đến môi trường nguồn bệnh không được kiểm soát.

5. Biến chứng do lột da băng hóa chất

Đây là biện pháp kinh điển, làm bong da, loại bỏ lớp tế bào sừng, kích thích tái tạo trẻ hóa da, điều trị sẹo. Các hóa chất được dùng bao gồm các glycolic acid, trichloacetic acid, AHA, BHA, tretinoin… Phương pháp này có thể chia làm lột nông, trung bình, lột sâu tương ứng đến lớp sừng, lớp đáy và bì nhú. Biến chứng bao gồm nóng rát châm chích lúc đang áp hóa chất, đỏ sau lột da, rối loại sắc tố, nhiễm trùng, da nhạy cảm. Một số ít trường hợp để lại vết trợt, sẹo, ngột độc..Phòng ngừa băng cách chỉ định đúng, kỹ thuật viên đánh giá đúng điểm đáp ứng lâm sàng (frost). Xử lý băng cách áp lạnh, trung hòa kịp thời, chống nắng, dưỡng ẩm, kháng sinh … tùy từng trường hợp.

6. Biến chứng do điều trị Laser/ánh sáng

Ngày nay có rất nhiều thiết bị laser/ánh sáng trong thẩm mỹ da điều trị sắc tố , trẻ hóa da, điều trị bất thường mạch máu, triệt lông ..

Bên cạnh lợi ích mang lại, rất nhiều trường hợp biến chứng do sử dụng qui trình không cẩn thận, không phù hợp vì sự thiếu hiểu biến về tác động của laser/ánh sáng trên mô. Nhiều bệnh nhân bị mảng giảm sắc tố, sẹo, tăng sắc tố sau viêm do điều trị laser/ánh sáng.

Phòng ngừa bằng cách sử dụng năng lượng thấp, tăng dần đến điểm đáp ứng lâm sàng.

Không vội điều trị chóng khỏi mà phải hiểu biến quá trình sinh học của thương tổn (ví dụ xóa xăm nhiều lần). Biến chứng nhiễm trùng trong laser tuy hiếm nhưng cũng cần lưu ý tiền sử nhiễm herpes simplex. Uống acyclovir trước và sau điều trị laser trên người có tiền căn nhiễm herpes simplex được khuyến cáo. Sau cùng, an toàn laser cho mắt (bệnh nhân, người thực hiện) là quan trọng nhất.

7. Căng chỉ

Nâng cơ mặt và cổ băng chỉ là kỹ thuật ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Nhiều loại sản phẩm trên thị trường đang được quảng cáo và sử dụng, số lượng càng ngày càng tăng. Nhiều báo cáo cho thấy hiệu quả của phương pháp này rất tốt, thời gian nghỉ dưỡng ngắn. Biến chứng bao gồm liên quan đến kỹ thuật như bầm máu, nhiễm trùng, mặt không cân xứng, đau nhức. Biến chứng dị ứng, hình thành mô hạt, lòi chỉ … thì hiếm nhưng cũng cần quan tâm trước khi thực hiện.

8. Tiêm tiêu mỡ

Tiêm tiêu mỡ
Tiêm tiêu mỡ

Kỹ thuật tiêm nhiều điểm dưới da để giảm tích tụ mỡ vùng nọng cằm ở bụng và vùng khác được báo cáo từ hơn 10 năm trước. Gần đây FDA chứng nhận sodium deoxycholate (10mg/mL) tiêm dưới da điều trị mỡ nọng cằm. Biến chứng thường gặp liên quan đến qui trình như đau, bầm cứng tại chỗ. Tiêm đủ sâu (, ở cổ 6mm và 9-11mm cho vùng khác), mỗi điểm tiêm lượng nhỏ (không quá 0.2mL). Nổi mày đay, loét da hiếm gặp.

9. Kết luận

Mặc dù lợi ích rõ ràng của thẩm mỹ da mang đến cho nhiều người nhưng việc sử dụng qui trình này cũng có những biến chứng có hại. Bác sĩ, kỹ thuật viên cần được đào tạo bày bản, cập nhật kiến thức và kỹ năng thường xuyên để tận dụng lợi ích tối đa của kỹ thuật và giảm thiểu rũi ro cho khách hàng cũng như chính người thực hiện.

10. Tài liệu tham khảo

1. Daniela Hartmann, Thomas Ruzicka, Gerd G. Gauglitz. Complications associated with cutaneous aesthetic procedures. Journal of The German Society of Dermatology (2015)

2. Catherine Fairris . An Introduction to Injectable Complications. AesthethicsJournal.com (2019)

3.Fernando Urdiales-Gálvez et al . Preventing the Complications Associated with the Use of Dermal Fillers in Facial Aesthetic Procedures: An Expert Group Consensus Report. Aesthetic Plastic Surgery 2017

4. Firas Al-NiaImi. Laser and energy-based devices’ complications in dermatology Journal of Cosmetic and Laser Therapy, 2015

5. Shahraam Kamalpour, Keith Leblanc, Jr., Injection Adipolysis: Mechanisms, Agents, and Future Directions, J Clin Aesthet Dermatol, (2016 )

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề

 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *