Giới thiệu về vi mài da, mài da và những điều cần thiết

1.Giới thiệu

Tái tạo bề mặt cơ học gồm có thủ thuật microdermabrasion (vi mài da) và dermabrasion (mài da), được tiến hành bằng cách sử dụng một dụng cụ mài cầm tay để loại bỏ các lớp của thượng bì. Quá trình lột da vật lí này sẽ gây tổn thương da, sau đó sẽ khởi phát các giai đoạn của quá trình lành vết thương. Nhờ quá trình mài sẹo lõm hoặc sẹo phì đại và gây viêm, tái tạo thượng bì, tạo mô xơ, và tái tổ chức collagen mà bề mặt sẹo trứng cá có thể được cải thiện. Dermabrasion là một thủ thuật có kĩ thuật khó và xâm lấn hơn, thủ thuật này được thực hiện bằng cách loại bỏ da đến lớp bì nhú. Microdermabrasion là kĩ thuật ít xâm lấn hơn, chỉ mài da đến lớp thượng bì nông

2.Dermabrasion

Lịch sử

Sự quan tâm của con người đối với các thủ thuật tái tạo bề mặt da đã tồn tại trang hàng thế kỉ và những kĩ thuật này đã trải qua nhiều sự tiến bộ và nhiều lần điều chỉnh. Khoảng 1500 năm trước công nguyên, các thầy thuốc Ai Cập cổ đại đã sử dụng giấy nhám để làm phẳng sẹo và tắm bằng sữa chua để làm trơn láng da khô và thô ráp [1-3]. Năm 1905, Dr. Kromayer, một bác sĩ da liễu người Đức, đã công bố bài báo đầu tiên mô tả phương pháp sử dụng dụng cụ để làm phẳng da giúp cải thiện bề mặt của sẹo [4]. Ông đã mô tả rằng trước khi điều trị da sẽ được gây tê tại chỗ và sử dụng “tuyết” carbon dioxide để làm bề mặt da trương phồng hơn tạo thuận lợi cho quá trình làm thủ thuật. Ông đã sử dụng đầu mài thép cầm tay có thể xoay được để làm trơn láng những nốt sẹo nhỏ và các sẹo do chấn thương khác [4,5]. Kĩ thuật này đã được mở rộng ứng dụng bởi Dr. Iverson, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, vào năm 1947 khi ông đã báo cáo về sự thành công khi loại bỏ traumatic tattoo (chấn thương do xăm) trên mặt bằng cách sử dụng giấy nhám (được sử dụng bởi các thợ mộc) quấn quanh một miến gạc [6]. Vào năm 1948, Dr. McEvitt đã mô tả sự cải thiện bề mặt sẹo trứng cá rõ rệt khi sử dụng kĩ thuật mài da cơ học [7]. Tuy nhiên, chính Dr. Kurtin là một bác sĩ da liễu ở New York City đã đổi mới và hiện đại hóa kĩ thuật dermabrasion từ năm 1953 [8]. Dr. Kurtin và Noel Robbins đã phối hợp để chỉnh sửa một thiết bị dùng trong răng hàm mặt để sử dụng cho kĩ thuật dermabrasion [1,8]. Phương pháp của Dr. Kurtin đó là chuẩn bị trước thủ thuật với ethyl chloride (chất gây tê và làm da cứng hơn) sau đó mài da bằng bàn chải thép xoay (motorized steel brush) [8]. Robbins sau đó đã chế tạo ra diamond fraise (đầu mài kim cương) là thiết bị ngày nay chúng ta vẫn dùng [1]. Hình 6.1 mô tả một vài đầu mài thường được sử dụng.

Năm 1956, Dr. Burks, một bác sĩ da liễu người Mỹ khác, đã công bố bài báo có tựa đề Wire Brush Surgery, bài báo này đã mô tả kĩ thuật mới của ông trong sử dụng bàn chải sắt (wire brush) để điều trị nhiều bệnh khác nhau gồm nếp nhăn, đốm nâu, sẹo lồi do mụn trứng cá và sẹo trứng cá [9] (hình 6.2). Sau đó vào năm 1957, ông đã công bố một nghiên cứu về đánh giá quá trình lành vết thương sau thủ thuật dermabrasion trên gần 1500 bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y khoa Tulane, New Or- leans [10]. Một chuỗi các lần sinh thiết đã cho thấy có quá trình tái tạo thượng bì từ các cấu trúc phụ và sự tái tổ chức mô liên kết [10]. Ông sau đó cũng đã báo cáo về việc sử dụng microdermabrasion để điều trị các tổn thương do ánh sáng [9,10]. Theo thời gian, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu về việc sử dụng và phân loại các chất sinh hàn, về ứng dụng của dermabrasion trong điều trị sẹo cho đến traumatic tattoo (chấn thương khi xăm), về điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus ở bệnh nhân có tiền sử herpes môi, điều trị trước thủ thuật với kem bôi retinoid, và sự lưu ý khi thực hiện thủ thuật trên đối tượng có sử dụng isotretinoin đường uống gần đây [1]. Cho đến thời điểm này, dermabrasion đã được ứng dụng để cải thiện bề mặt của các sẹo đã trưởng thành (xuất hiện từ 6-12 tháng từ lúc sẹo hình thành). Tuy nhiên, vào năm 1988, Dr. Yarbor- ough đã đề xuất áp dụng mài da trong điều trị sẹo ở giai đoạn sớm sau chấn thương [11,12]. Bằng cách thực hiện dermabrasion sớm và trong giai đoạn đang hình thành sẹo, ông thấy rằng sẹo có thể gần như hoàn toàn được loại bỏ [12].

HÌNH 6.1 Các loại đầu mài thường được sử dụng. Từ trái qua phải: đầu mài bàn chải ( wire brush), đầu mài kim cương, đầu mài kim cương hình nón (hình ảnh được sự cho phép của CB, Thiele JJ. Trong: Acne Scar. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009)
HÌNH 6.1 Các loại đầu mài thường được sử dụng. Từ trái qua phải: đầu mài bàn chải ( wire brush), đầu mài kim cương, đầu mài kim cương hình nón (hình ảnh được sự cho phép của CB, Thiele JJ. Trong: Acne Scar. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009)
HÌNH 6.2 Hình mô tả kĩ thuật dermabrasion bằng cách sử dụng đầu bàn chải. Dụng cụ này di chuyển theo cách đánh vuông góc theo hướng quay của bàn chải. Gắn đầu bàn chải: gắn bàn chải quay ngược chiều kim đồng hồ để mài da mạnh hơn, và gắn bàn chải quay thuận chiều kim đồng hồ để mài da nhẹ hơn (hình ảnh được sự cho phép của CB, Thiele JJ. Trong: Acne Scar. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009)
HÌNH 6.2 Hình mô tả kĩ thuật dermabrasion bằng cách sử dụng đầu bàn chải. Dụng cụ này di chuyển theo cách đánh vuông góc theo hướng quay của bàn chải. Gắn đầu bàn chải: gắn bàn chải quay ngược chiều kim đồng hồ để mài da mạnh hơn, và gắn bàn chải quay thuận chiều kim đồng hồ để mài da nhẹ hơn (hình ảnh được sự cho phép của CB, Thiele JJ. Trong: Acne Scar. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009)

3.Sinh bệnh học

Dermabrasion thủ thuật loại bỏ lớp da bề mặt cho đến khi thấy chảy máu, đây là dấu hiệu cho thấy đã gây tổn thương đến lớp bì nhú. Bằng cách loại bỏ hoàn toàn lớp thượng bì, vết thương mới được tạo ra và cho phép quá trình liền vết thương thứ cấp diễn ra sau đó. Các tế bào tăng sinh từ đáy vết thương và phát triển lên trên, hoặc tăng sinh từ các thành bên vào trong, trong đó các cấu trúc phụ của da trở thành nguồn cung cấp tế bào chính giúp tái sinh các tế bào da trong giai đoạn tái tạo thượng bì. Do đó, điều quan trọng khi tiến hành thủ thuật là không được mài sâu hơn lớp bì nhú. Bằng cách tạo ra vết thương và khởi phát 3 giai đoạn của quá trình liền vết thương (viêm, tăng sinh và tái tổ chức), da sẽ được tái tạo mới với mục tiêu cuối cùng là giúp cải thiện cấu trúc và màu sắc da [3]. Trong giai đoạn viêm, tiểu cầu và các phân tử chất nền ngoại bào hình thành khối fibrin, sau đó tiết ra các chất hóa hướng động thu hút bạch cầu trung tính đến vết thương [13]. Bạch cầu đến gắn vào giường vết thương, tiết ra các cytokines tiền viêm và các yếu tố tăng trưởng mạch máu để hấp dẫn các tế bào tăng sinh như nguyên bào sợi (fibroblast) và tế bào nội mô (endothe- lial cells) đến vị trí vết thương [13]. Ngoài ra, trong giai đoạn sớm của quá trình lành vết thương, các tế bào sừng (keratinocyte) tại rìa vết thương sẽ mất tính kết dính để tạo thuận lợi cho các tế bào này di cư đến giường vết thương [13]. Sự tăng sinh của các tế bào sừng được kích thích bởi sự quá trình tiết ra yếu tố tăng trưởng tế bào sừng và yếu tố tăng trưởng tế bào gan từ lớp thượng bì và lớp bì [13]. Trong giai đoạn tăng sinh, các đại thực bào và các nguyên bào sợi được hoạt hoá sẽ bao phủ và tạo ra mô hạt [13]. Sự hiện diện của đại thực bào và tế bào bạch cầu đa nhân trung tính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống nhiễm trùng tại vị trí vết thương [13]. Trong giai đoạn tái tổ chức (giai đoạn cuối), yếu tố tăng trưởng TGF-β kích thích nguyên bào sợi chuyển hóa thành các nguyên bào sợi cơ [3,13]. Nguyên bào sợi cơ sẽ sản xuất ra collagen type I và III trong vài tuần đến vài tháng, mô hạt sẽ được chuyển thành mô sẹo, quá trình viêm giảm dần, và các cấu trúc mạnh máu thoái triển dần [14,15].

Ở mức độ mô học, dermabrasion đã được chứng minh là làm tăng mật độ các bó collagen, làm tăng số lượng collagen type I và III, thúc đẩy sự sắp xếp collagen theo hướng song song với thượng bì, đồng nhất hóa và sắp xếp lại các sợi elastin. Những thay đổi này giải thích cho sự cải thiện về cấu trúc, độ sắc chắc của da sau khi thực hiện thủ thuật dermabrasion [14,15].

4.Chỉ định

Mặc dù các phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser và peel hóa chất ngày càng phổ biến, nhưng dermabrasion vẫn là phương pháp điều trị sẹo trứng cá hiệu quả nhất. Cả sẹo lõm và sẹo phì đại đều có thể được điều trị một cách hiệu quả (hình 6.3). Đối với sẹo lõm, vùng bề mặt lõm và vùng da xung quanh sẽ được mài để làm mờ và trơn láng da, tạo cấu trúc da đồng nhất hơn [16]. Đối với sẹo phì đại, phần mô sẹo tăng sinh quá mức sẽ được mài để tái tạo lại mặt phẳng. Sẹo ice pick và boxcar tỏ ra có hiệu quả hơn so với sẹo rolling khi điều trị bằng dermabrasion [3,14]. Sẹo rolling dài, rộng, bờ mờ, và nhấp nhô do mô sẹo bị các bó xơ kéo từ lớp bì xuống lớp mô dưới da [3]. Sẹo rolling có thể được điều trị tốt hơn bằng cách sử dụng liệu pháp phối hợp giữa cắt đáy sẹo hoặc cắt sẹo bằng dụng cụ bấm với dermabrasion (tiến hành sau). Sẹo phẫu thuật hoặc sẹo chấn thương, bỏng, tattoo không đáp ứng với laser, bệnh mũi sư tử, nếp nhăn, tăng sản lành tính các cấu trúc phụ, đốm nâu và các tổn thương ánh sáng cũng có thể được điều trị bằng dermabrasion [17].

Theo Yarborough và các đồng nghiệp của ông thì sẹo phẫu thuật nên được điều trị trong thời gian 6-8 tuần sau phẫu thuật [11,12]. Nhiều nghiên cứu cũng đã ủng hộ quan điểm trên, đặc biệt là khi điều trị sẹo sau phẫu thuật Mohs [18]. Một nghiên cứu mẫu hai nữa sẹo đã cho thấy hiệu quả điều trị tốt nhất khi sẹo phẫu thuật được điều trị vào tuần thứ 8 sau phẫu thuật [19]. Emsen đã phát hiện ra điều thú vị rằng quá trình điều trị bỏng bằng mài da thủ công nên được thực hiện sớm ngay sau tổn thương bỏng và đã có báo cáo cho thấy kết quả ấn tượng của một trường hợp tiến hành mài da trên mặt của một đứa trẻ ngay sau khi bị bỏng nông mức độ hai và bỏng sâu một phần [20]. Do đó, thời gian thực hiện mài da điều trị sẹo rất khác nhau tùy vào nguy nhân, đối với sẹo phẫu thuật, điều trị trong khoảng thời gian 6-8 tuần sau phẫu thuật cho kết quả ấn tượng và đối với bỏng cần tiến hành càng sớm càng tốt.

5.Lựa chọn bệnh nhân và những cân nhắc trước phẫu thuật

Trước khi tiến hành dermabrasion, cần phải xem xét ở một mức độ nhất định để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và thúc đẩy sự an toàn của bệnh nhân và người thực hiện thủ thuật. Trong lần tư vấn đầu tiên, bác sĩ phải giải thích rõ ràng và chi tiết về quy trình thủ thuật cũng như vấn đề chăm sóc đặc biệt sau thủ thuật. Nếu bệnh nhân có tiền sử kém tuân thủ y lệnh, không tái khám đúng hẹn, hoặc kém thực hành chống nắng thì không nên tiến hành thủ thuật mài da.

Không nên thực hiện dermabrasion ở những bệnh nhân có tiền sử có các vấn đề sau: rối loạn sắc tố, sẹo lồi, rối loạn chảy máu, bệnh da có hiện tượng Koebner, mụn trứng cá hoặc trứng cá đỏ hoạt động, hoặc tiền sử dùng isotretinoin trong vòng 6-12 tháng gần đây. Hết sức lưu ý và cân nhắc việc áp dụng dermabrasion ở những bệnh nhân có tiền sử bị ức chế miễn dịch hoặc bệnh mạn tính vì dễ đưa đến nhiễm trùng và chậm lành vết thương. Trong những trường hợp này, việc đưa ra quyết định thực hiện phải tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu đang có nhiễm trùng hoặc vết thương hở tại vùng cần điều trị thì nên trì hoãn thủ thuật lại. Lặp lại thủ thuật ở vùng đã mài da cũ không nên tiến hành dưới 12 tháng sau lần điều trị trước đó [3, 16].

HÌNH 6.3 Mài da điều trị sẹo trứng cá (a-e). sẹo trứng cá nặng ở một người đàn ông Mỹ gốc Phi trước (a), ngay sau khi tiến hành dermabrasion (b) và 4 tuần sau dermabrasion (c). Sẹo trứng cá trung bình nặng ở một phụ nữ da trắng trước khi dermabrasion (d) và 12 tuần sau khi dermabrasion (e). (ảnh được sự cho phép của Harmon CB, Thiele JJ. In: Acne Scars. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009 [44]).
HÌNH 6.3 Mài da điều trị sẹo trứng cá (a-e). sẹo trứng cá nặng ở một người đàn ông Mỹ gốc Phi trước (a), ngay sau khi tiến hành dermabrasion (b) và 4 tuần sau dermabrasion (c). Sẹo trứng cá trung bình nặng ở một phụ nữ da trắng trước khi dermabrasion (d) và 12 tuần sau khi dermabrasion (e). (ảnh được sự cho phép của Harmon CB, Thiele JJ. In: Acne Scars. Tosti A, De Padova MP, Beer K, eds. London: Informa, 2009 [44]).
Các bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân dùng retinoid bôi trong 2-3 tuần trước khi điều trị để kích thích quá trình tăng sinh và đổi mới tế bào sừng. Nếu bệnh nhân có tiền sử herpes môi, có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus đường uống từ 2-3 ngày trước khi mài da. Với những bệnh nhân lo lắng, căng thẳng có thể cho bệnh nhân uống hoặc tiêm thuốc an thần khi làm thủ thuật [3].

6.Dụng cụ và kĩ thuật

Mài da có thể được thực hiện thủ công hoặc bằng máy. Mài da thủ công bằng cách sử dụng giấy nhám đính silicon bị than hóa với nhiều mức độ nhám khác nhau để tái tạo bề mặt da. Giấy này có thể mua từ các cửa hàng ngũ kim và được vô trùng trong phòng khám, hoặc có thể mua giấy đã được vô trùng và đóng gói sẵn [21]. Một lựa chọn tiết kiệm chi phí khác đó là sử dụng tấm mài dao điện (tấm này được sử dụng trong phòng mổ được vô trùng) đã được vô trùng và đóng gói [22,23]. Độ nhám bề mặt của tấm mài dao điện nằm trong khoảng từ 100-60 (độ nhám –grit sand- paper- số lượng hạt nhỏ trên 1 inch vuông) [22,23]. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về hiệu quả điều trị hoặc về khả năng tiếp cận đến độ sâu mô học lí tưởng khi sử dụng tấm mài dao điện so với giấy nhám [21, 24].
Bác sĩ có thể cầm giấy nhám hoặc tấm mài trực tiếp bằng tay hoặc quấn quanh một xi lanh hoặc quanh miếng gạc để dễ sử dụng hơn [23,35]. Giấy nhám hoặc tấm mài được làm ẩm bằng dung dịch salin trước khi mài lên da. Giấy nhám có nhiều độ nhám khác nhau: nhẹ (#400), trung bình (#220-320), hoặc thô ráp (coarse grade -#180) [16]. Giấy nhám thô ráp được làm từ các hạt lớn và phù hợp để mài những đường (pass) cơ bản đầu tiên lên da [16]. Giấy có độ nhám thấp hơn được làm từ các hạt nhỏ hơn và phù hợp để làm trơn láng sau các pass mạnh đã được thực hiện trước đó.

Có nhiều lợi ích khi mài da thủ công. Đầu tiên, kĩ thuật thủ công này được cho là có thể làm hòa hợp cấu trúc, đặc biệt là vùng quanh mắt và miệng [16,18,21]. Ngoài ra, các giọt máu nhỏ không bị bắn văng ra khi mài thủ công. Những vùng da nhạy cảm như vùng mí mắt, vùng bờ môi, và dái tai không thể bị kẹt trong thiết dụng cụ như khi sử dụng máy mài [16,18,21]. Cuối cùng, dụng cụ mài thủ công rẻ tiền, dễ sử dụng và dễ thực hiện, và không cần phải bảo trì vì chỉ sử dụng một lần rồi bỏ [16,18].

Mặc dù phương pháp mài da thủ công ngày càng phổ biến, nhưng sự phát triển của motor mài da là một cuộc cải tiến kĩ thuật cho phép tái tạo bề mặt da nhanh và ít dùng lực hơn trên diện tích lớn hơn. Quy trình này đòi hỏi cần phải có thiết bị motor và đầu típ mài gắn vào. Thiết bị mo- tor chạy điện thường được dùng phổ biến hơn cả đó là Bell Handengine (Bell International), máy cầm tay (hand engine) AEV-12 (Ellis Interna- tional), và Osada Surgical Handpiece (Osada, Inc). Đầu mài được dùng phổ biến nhất là diamond fraise (đầu mài kim cương) và đầu mài bàn chải dây thép. Diamond fraise là những trụ kim loại có trọng lượng và đường kính khác nhau được phủ bởi các mảnh vụn kim cương công nghiệp. Đầu mài bàn chải là những trụ được gắn các sợi kim loại mảnh cùng chiều xung quanh. Sử dụng đầu mài bàn chải được xem là phương pháp xâm lấn hơn, có thể mài da sâu hơn trong mỗi pass so với diamond fraise (đầu mài kim cương). Tuy nhiên, vì lí do này nên khi sử dụng đầu bàn chải cần phải cẩn thận để đảm bảo tạo ra vế thương đồng nhất và phù hợp [3,16].

Trong ngày tiến hành điều trị, bệnh nhân không nên trang điểm hoặc mang trang sức trên vùng định điều trị. Nên cho bệnh nhân nằm ngữa. Vùng da được điều trị phải được rửa sạch, và tẩy nhờn bằng cách sử dụng bông cồn để tẩy lớp dầu, phấn trang điểm hoặc kem chống nắng còn sót trên da. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cần được mang dụng cụ bảo vệ mắt. Có thể tiến hành gây mê bằng cách block nhánh thần kinh, tiêm tê tại chỗ, hoặc kĩ thuật gây tê lạnh. Sau gây tê, nên tiến hành sát trùng bằng chlorhexidine, lưu ý đảm bảo tránh không tiếp xúc với mắt và tai. Cuối cùng, vùng điều trị sẽ được phủ bằng drape (khăn) vô trùng. Với kĩ thuật mài da sử dụng motor, có thể điều trị tiền thủ thuật bằng cách phun lạnh để bề mặt trở nên cứng, chắc tạo thuận lợi cho quá trình mài da [3,26].

Khi điều trị một vùng da nào đó, thì da vùng đó nên được căng ra giữa 2 ngón tay thuộc tay không thuận của người tiến hành thủ thuật. Tay thuận của người thực hiện sẽ giữ dụng cụ mài. Khi mài nên đưa đầu mài đến tiếp xúc nhẹ với da sau đó sau đó di chuyển tới lui hoặc di chuyển theo vòng tròn nhỏ trên vùng điều trị. Nếu sử dụng motor với đầu diamond fraise thì đầu mài nên được di chuyển theo hướng vuông góc với hướng xoay của đầu mài. Nếu sử dụng bàn chải kim loại, thì các sợi thép được gắn vào trục với một góc giống nhau và hướng về cùng một phía. Mức độ mài da sẽ nhẹ hơn nếu đầu bàn chải xoay thuận góc với các sợi thép. Cách di chuyển đầu bàn chải tương tự đầu diamond fraise đó là nên di chuyển đầu mài theo hướng vuông góc với hướng xoay của nó. Đối với tất các các dụng cụ mài, chỉ nên di chuyển đến khi thấy xuất hiện các điểm xuất huyết, vì đây là chỉ điểm lâm sàng chứng tỏ dụng cụ đã mài đến lớp bì nhú. Không nên tiếp tục mài trên vùng đã xuất huyết điểm để tránh làm mất các cấu trúc phụ và tránh để lại sẹo. Nếu nhìn thấy các sợi xơ có nghĩa là tổn thương đã đến lớp bì lưới. Trong khi làm thủ thuật, máu và các mảnh da nên được lau liên tục bằng khăn cotton ướt để giữ cho vùng mài luôn sạch và dễ quan sát. Khi sử dụng giấy nhám, nếu các hạt silicon than hóa rơi trên da thì phải lau sạch để tránh hình thành các vết đen như khi xăm mực. Khi điều trị ở vùng mặt thì nên tiến hành theo từng đơn vị thẩm mỹ và vùng giữa mặt nên được điều trị sau cùng [3].

7.Lưu ý sau thủ thuật

Sau khi mài da xong, nên lau nhẹ toàn bộ mặt bằng khăn cotton. Sau đó đắp gạc thấm lidocaine/epinephrine lên da để làm giảm cảm giác châm chích sau thủ thuật. Nếu có vùng chảy máu nhiều thì cần phải đè chặt trong ít nhất 10 phút. Tiếp theo, nên bôi dầu petrolatum lên vùng điều trị và đắp gạc bán thấm hoặc đắp mặt nạ toàn mặt. Trong 2-3 ngày đầu sau thủ thuật, bệnh nhân nên đến phòng khám kiểm tra hàng ngày và để thay gạc. Quá trình thay gạc có thể khá đau và có thể sẽ phải gây tê. Những lần đến kiểm tra đầu tiên là để theo dõi nhiễm trùng, thay gạc, thảo luận về cách chăm sóc vết thương, và đánh giá quá trình lành vết thương. 3-4 ngày sau thủ thuật, bệnh nhân có thể để hở vết thương ở nhà. Vùng da điều trị cần được ngâm trong dung dịch acetic acid từ 4-6 lần mỗi ngày và nếu cần có thể loại bỏ các mảnh vụn da bằng cách sử dụng tăm bông ẩm. Sử dụng dung dịch acetic acid vì chất này có tác dụng diệt khuẩn và loại bỏ mảnh vụn nhẹ. Sau mỗi lần ngâm acid, cần phải bôi mỡ lại và đắp lại loại gạc không gây bít tắc. Bệnh nhân cần được giải thích trước rằng đỏ và phù da có thể rất nặng trong vài giờ đến 1 ngày đầu sau thủ thuật mài da; có thể sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs hoặc túi đá để làm giảm sưng và giảm khó chịu. Khi da bắt đầu lành, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa và nên được điều trị bằng kháng histamine để tránh trường hợp bệnh nhân cào gãi. Vào khoảng ngày thứ 7 sau thủ thuật, quá trình tái tạo thượng bì gần như hoàn tất và có thể chuyển từ bôi mỡ sang các sản phẩm dưỡng ẩm kèm chống nắng với chỉ số chống nắng SPF30+ hoặc chống nắng vật lý [3].

Cần thông tin cho bệnh nhân biết là đỏ da ở vùng điều trị có thể kéo dài từ 2-4 tháng vì quá trình tái tổ chức mô diễn ra trong khoảng thời gian này. Nếu xuất hiện vết chai cứng, xơ bất thường thì đây có thể là đấu hiệu hình thành sẹo phì đại. Tránh nắng cẩn thận trong 3-6 tháng sau mài da là rất cần thiết [3].

8.Biến chứng

Các biến chứng có thể của dermabrasion gồm nhiễm trùng, tạo sẹo, rối loạn sắc tố, bùng phát mụn trứng cá, và hình thành mụn thịt (milia). Trong số đó, phát ban mụn trứng cá và hình thành mụn thịt là các biến chứng thường xảy ra nhất nhưng cũng là các biến chứng dễ điều trị nhất. Mụn thịt là biến chứng thường gặp của dermabrasion và thường xuất hiện 3-4 tuần sau thủ thuật. Nặn mụn thịt là cách điều trị dễ dàng và hiệu quả. Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng thuốc phù hợp nhưng nên tránh các loại thuốc bôi có tính lột da và kích ứng cho dến khi quá trinh tái tạo thượng bì hoàn tất [3].

Nhiễm trùng và tạo sẹo là những biến chứng đáng lo hơn. Tái khám kiểm tra sớm cho phép theo dõi, phát hiện và điều trị sớm những biến chứng này. Dấu hiệu nhiễm trùng gồm chảy mủ, có mùi hôi, loét và áp xe. Nếu nghi ngờ, có thể bắt đầu điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm và thay đổi kháng sinh điều trị tùy thuộc vào độ nhạy của vi khuẩn nếu có thực hiện kháng sinh đồ. Dấu hiệu sớm nhất của biến chứng tạo sẹo là da trở nên cứng và đỏ bất thường trong 2-3 tuần đầu, những vùng này cần phải điều trị bằng corticoid bôi mạnh. Nếu xuất hiện đỏ da kéo dài hoặc vết chai cứng trong 2-4 tháng, thì đây có thể là sẹo phì đại hoặc sẹo lồi và cần phải điều trị ngay bằng cách tiêm triamcinolone vào tổn thương. Nếu xuất hiện tăng sắc tố, có thể điều trị bằng công thức phối hợp giữa hydro- quinone và retinoid, bôi càng sớm càng tốt từ 3-4 tuần sau mài da và tiếp tục trong 4-8 tuần. Ở bệnh nhân có phân loại da tối màu theo Fitzpatrick, có thể xuất hiện biến chứng mất sắc tố và có thể điều trị biến chứng này bằng laser excimer 305 nm (Harmon). Không nên nhầm lẫn biến chứng này với hiện tượng giả mất sắc tố do vùng da được điều trị sáng hơn so với vùng bên cạnh (vùng không được điều trị vốn bị tổn thương da ánh sáng). Thêm một lần nữa, cần phải nhấn mạnh vai trò của việc tránh nắng nhằm hạn chế sự thay đổi sắc tố lâu dài sau thủ thuật dermabrasion. Trang điểm ngụy trang có thể thực hiện ở những bệnh nhân bị rối loạn sắc tố kéo dài sau thủ thuật [3].

9.Kết quả

Nếu lựa chọn bệnh nhân phù hợp và được thực hiện bởi các bác sĩ da liễu có đào tạo bài bản, thì hiệu quả điều trị của dermabrasion là rất tốt. Dermabrasion vẫn là tiêu chuẩn vàng để điều trị sẹo trứng cá ở mặt. Những thay đổi về lâm sàng và mô học của phương pháp này đã được chứng minh. Sinh thiết da trước và sau thủ thuật cho thấy sau khi điều trị, có sự gia tăng mật độ các bó collagen và các bó collagen này được sắp xếp song song với bề mặt da [3]. Thêm nhiều nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng dermabrasion có thể làm tăng sự lắng đọng của collagen type I & III và có sự đồng nhất các sợi elastin trong lớp bì [15]. Dermabra- sion được chứng minh là hiệu quả hơn so với peel trichloroacetic acid (TCA) trên mức độ mô bệnh học [15]. Các nghiên cứu cho thấy rằng mài da bằng motor hoặc mài thủ công bằng giấy nhám có hiệu quả điều trị tương đương trong cải thiện bề mặt sẹo phẫu thuật, nhưng phương pháp mài da thủ công có thể cho hiệu quả tốt hơn đối với các vùng da nhạy cảm như vùng quanh mắt và quanh miệng, trong khi đó mài da bằng motor tỏ ra có ưu thế hơn nếu bề mặt điều trị lớn như khi thực hiện toàn mặt hoặc ở chi [28,29].

Dermabrasion là một thủ thuật khó về kĩ thuật thực hiện và nếu mài quá nông thì sẽ không đạt được hiệu quả tốt trong khi nếu mài quá sâu sẽ để lại sẹo. Ngày nay, thủ thuật dermabrasion được thực hiện chủ yếu bởi bác sĩ da liễu và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ thực hiện thủ thuật cần được đào tạo kĩ lưỡng bởi những bác sĩ có kinh nghiệm trước khi thực hiện kĩ thuật này một mình vì hiệu quả điều trị rất khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm và kĩ năng của người làm thủ thuật.

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề:

Thông tin bài viết:

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *