Thủ thuật tiêm botulinum toxin điều trị cười hở lợi – Những điều cần biết

Bài viết Thủ thuật tiêm botulinum toxin điều trị cười hở lợi – Những điều cần biết được biên dịch bởi Bs Văn Thị Như Ý và bác sĩ Phạm Tăng Tùng từ Sách “ĐIỀU TRỊ NẾP NHĂN BẰNG BOTULINUM TOXIN” của tác giả Rebecca Small và Dalano Hoang.

Hình 1. Cười hở lợi trước (A) và 2 tuần (B) sau điều trị botulinum toxin cơ nâng môi trên cánh mũi, ảnh chụp khi cười.
Hình 1. Cười hở lợi trước (A) và 2 tuần (B) sau điều trị botulinum toxin cơ nâng môi trên cánh mũi, ảnh chụp khi cười.

Môi trên được kéo lên phía trên quá nhiều khi cười có thể gây ra cười hở lợi. Cười hở lợi kèm rãnh mũi má sâu là do hoạt động co của cơ nâng môi trên cánh mũi. Điều trị bằng botu- linum toxin để ức chế co cơ nâng môi trên cánh mũi sẽ hạn chế hở lợi khi cười, đồng thời cũng giúp làm giảm rãnh mũi má.

1. Chỉ định

  • Cười hở lợi
  • Rãnh mũi má

2. Giải phẫu

Tiêu chuẩn thẩm mỹ. Cười hở lợi là khi cười phần lợi của răng bị lộ ra, đặc biệt là lộ quá 2mm phần lợi phía trên răng cửa. Cười hở lợi thường đi kèm với môi trên mỏng và bị cụp vào Một nụ cười đẹp chuẩn là môi trên che phủ một phần ba trên của răng cửa khi cười.

Cơ mục tiêu. Cười hở lợi thường đi kèm với rãnh mũi má sâu do sự co của cơ nâng môi trên cánh mũi (xem phần Giải Phẫu, hình 1 và 2) và có thể điều chỉnh được bằng kỹ thuật tiêm botulinum toxin được mô tả trong chương này.

Chức năng cơ. Cơ nâng môi trên cánh mũi đóng vai trò nâng môi lên và kéo môi vào trong khi cười cũng như góp phần tạo nêp rãnh mũi má (xem phần Giải Phẫu, hình 7 và bảng 1).

Cơ cần tránh khi tiêm. Cười hở lợi không kèm theo rãnh mũi má sâu thường là do co cơ nâng môi trên. Trường hợp này không thể điều chỉnh bằng cách tiêm botulinum toxin. Các loại cơ nâng khác góp phần vào sự hình thành của cười hở lợi như cơ nâng góc miệng, cơ gò má lớn, và cơ gò má bé cần phải tránh khi điều trị botulinum toxin điều trị cười hở lợi (xem phần Giải Phẫu, hình 3).

3. Đánh giá bệnh nhân

  • Đánh giá tình trạng kinh tế -xã hội như nghề nghiệp/hoạt động đòi hỏi cần đảm bảo toàn bộ chức năng miệng như giáo viên dạy dụng cụ âm nhạc, diễn viên, ca sĩ, và diễn giả.
  • Hở lợi khi cười được đánh giá như sau:
    • Cười hở lợi kèm rãnh mũi má sâu thì có thể điều chỉnh được bằng kỹ thuật tiêm botulinum toxin được mô tả trong chương này.
    • Cười hở lợi kèm nếp mũi má phẳng thì không thể điều chỉnh được bằng cách tiêm botulinum
  • Đánh giá sự đối xứng miệng khi cười, nếu bệnh nhân cười mất cân xứng thì phải chỉ rõ cho bệnh nhân biết trước khi tiến hành điều trị.
  • Đánh giá cấu trúc môi trạng thái tĩnh. Ứng cử viên tốt nhất cho chỉ định điều trị cười hở lợi thường là những trường hợp môi trên vẫn bị kéo lên làm hở phần trên của răng cửa khi miệng ở trạng thái nghỉ (không cười). Nguy cơ môi bị dày quá mức ở những bệnh nhân này rất thấp.

4. Làm rõ cơ điều trị

Hướng dẫn bệnh nhân biểu hiện khuôn mặt như sau:

“Anh/chị hãy cười hết sức có thể”

5. Mục tiêu điều trị

Ức chế một phần cơ nâng môi trên cánh mũi.

6. Tái hoạt

Tái hoạt bột Botox Cosmetic 100UI với 4 mL nước muối pha tiêm (không bảo tồn) (xem phần Giới Thiệu và Những Khái Niệm Cơ Bản, Phương Pháp Tái Hoạt).

Các sản phẩm botulinum toxin không thể thay thế cho nhau và tất cả những thông tin tham khảo trong chương này là đối với onabotulinumtoxin A (OBTX), cụ thể là sản phẩm nhãn hiệu

7. Liều tiêm ban đầu

Nam và nữ: tổng liều (2 bên) là 2.5 UI OBTX

8. Vô cảm

Với hầu hết bệnh nhân thì không cần gây vô cảm, tuy nhiên nếu cần có thể chườm đá

9. Dụng cụ điều trị

  • Bộ dụng cụ tiêm botulinum toxin (xem chương Giới Thiệu và Các Khái Niệm Cơ Bản, Dụng Cụ)
  • Lọ Botox đã tái hoạt
  • Kim 30 G, 0,5-inch (13mm)

10. Tổng quan thủ thuật

Tổng quan về điểm tiêm và liều OBTX trong điều trị cười hở lợi được mô tả trong hình 2

Điều trị cười hở lợi đòi hỏi phải tiêm chính xác vào cơ nâng môi trên cánh mũi và hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào liều botulinum toxin và vị trí tiêm.

Botulinum toxin được tiêm vào trong cơ khi điều trị cười hở lợi và cơ nâng môi trên cánh mũi phải bộc lộ rõ khi tiến hành tiêm.

Tiêm xa ra phía ngoài có thể ảnh hưởng đến các cơ nâng môi khác và làm tăng nguy cơ gây cười bất đối xứng và ảnh hưởng tới chức năng của miệng.

11. Kỹ thuật tiêm

  1. Cho bệnh nhân nằm tựa lưng một ngóc
  2. Xác định cơ nâng môi trên cánh mũi bằng cách hướng dẫn bệnh nhân co cơ sử dụng biểu cảm khuôn mặt như đã mô tả ở trên.
  3. Xác định vị trí điểm tiêm (hình 2).
  4. Chườm đá để giảm đau (nếu cần)
  5. Sát trùng điểm tiêm bằng cồn và để khô.
  6. Người tiêm đứng về cùng phía với bên được tiêm.
    Hình 2. Tổng quan ví trí và liều tiêm botulinum toxin trong điều trị cười hở lợi.
    Hình 2. Tổng quan ví trí và liều tiêm botulinum toxin trong điều trị cười hở lợi.
    Hình 3. Kĩ thuật tiêm botulinum toxin cho cơ nâng môi trên cánh mũi.
    Hình 3. Kĩ thuật tiêm botulinum toxin cho cơ nâng môi trên cánh mũi.
  7. Khi cơ nâng môi trên cánh mũi đang co (bệnh nhân cười hết cỡ), tiến hành đưa kim vào khối cơ phồng nằm ở phần trên cùng của nếp gấp mũi má (hình 3). Mũi kim hướng vào phía trong và đưa lút ½ chiều dài của kim. Tiêm 1.25 UI
  8. Ấn giữ một lúc vị trí vừa được tiêm (hướng vào trong).
  9. Lặp lại thao tác cho phía đối diện.

12. Kết quả

Môi trên trở nên dày hơn, cười ít hở lợi hơn và giảm độ sâu rãnh mũi má sau 2 tuần tiêm botulinum toxin. Hình 1 mô tả cười hở lợi và rãnh mũi má sâu khi cơ nâng môi trên cánh mũi co trước (hình 1.A) và 2 tuần (hình 1B) sau điều trị botulinum toxin. Nếu để ý sẽ thấy môi trên mỏng và cúp vào trong trở nên đầy đặn hơn sau khi được điều trị.

Không hoặc ảnh hưởng tối thiểu tới chức năng thường ngày của miệng như ăn uống, nói chuyện là một trong những kết quả mong muốn đạt được.

13. Thời gian tác dụng và khoảng cách điều trị

Chức năng cơ ở vùng điều trị sẽ dần được phục hồi trở lại sau 2 tháng tiêm botulinum toxin.

Điều trị botulinum toxin lần tiếp theo có thể được thực hiện khi cơ nâng môi trên cánh mũi bắt đầu co trở lại.

14. Tái khám

Bệnh nhân được tái khám sau 2 tuần điều trị bằng botulinum toxin để đánh giá mức độ cải thiện tình trạng hở lợi khi cười và độ dày của môi, mức độ cải thiện rãnh mũi má, chức năng và tính đối xứng của miệng. Một vài vấn đề có thể gặp phải khi bệnh nhân đến tái khám như sau:

– Cười vẫn còn hở lợi. Kết quả điều trị mong đợi là cơ nâng môi trên cánh mũi vẫn còn giữ được một phần chức năng (môi trên được nâng lên thấy rõ khi cười). Tuy nhiên, nếu cơ nâng môi trên cánh mũi sau điều trị vẫn còn co mạnh gần giống như trước điều trị, thì có thể cần phải tiêm thêm botulinum toxin. Có thể tiến hành thủ thuật tiêm dặm với 1.25 UI OBTX và sử dụng kĩ thuật tiêm như đã mô tả ở trên. Đánh giá lại lần nữa sau 2 tuần tiêm dặm. Liều botulinum toxin đối với cơ nâng môi trên cánh mũi được xác định bằng liều tiêm ban đầu cộng với liều tiêm dặm. Sử dụng liều này cho lần điều trị cười hở lợi tiếp theo của bệnh nhân (khoảng 2 tháng sau).

15. Biến chứng và xử lý

Biến chứng thường gặp liên quan đến kĩ thuật tiêm (xem phần Giới Thiệu và Các Khái Niệm Cơ Bản, Biến Chứng)

  • Cười mất đối xứng
  • Sụp môi
  • Môi bị bất đối xứng hoặc thay đổi hình dáng môi (trạng thái tĩnh hoặc động)
  • Ảnh hưởng đến chức năng miệng gây chảy nước miếng, ăn uống và nói chuyện.

Biến chứng có thể xuất hiện thường xuyên khi điều trị cười hở lợi. Nhiều bệnh nhân vốn cười mất đối xứng trước điều trị mà họ không để ý tới. Những bất đối xứng của môi có thể trở nên lộ rõ sau khi tiêm botulinum toxin cơ nâng môi trên mũi má hai bên. Bất đối xứng môi cũng có thể do tiêm liều lượng botulinum toxin không đều vào hai cơ nâng môi trên cánh mũi. Trong cả hai trường hợp trên, cười bất đối xứng có thể được chỉnh sữa bằng cách tiêm dặm vào phía bên cơ co mạnh hơn.

Sụp môi có thể do tiêm quá liều botulinum toxin gây giãn tối đa cơ nâng môi tiêm cánh mũi. Tiêm phía ngoài cơ mục tiêu hoặc do botulinum toxin khuếch tán vào các cơ có tác dụng nâng môi trên khác (cơ nâng môi trên, cơ nâng góc miệng, cơ gò má bé, và cơ gò má lớn) cũng có thể gây sụp môi và/hoặc ảnh hưởng đến chức năng miệng gây ra tình trạng chảy nước miếng, khó nói chuyện và ăn uống. Không có điều trị chỉnh sửa đối với những biến chứng này và chúng sẽ tự cải thiện khi hoạt tính của botulinum toxin biến mất sau khoảng 2 tháng.

16. Điều trị đa vùng mặt dưới bằng botulinum toxin

Vùng mặt dưới là vùng cơ thực hiện chức năng cao, chịu trách nhiệm cho hoạt động nói chuyện và ăn uống. Do đó nên tiếp cận điều trị một cách bảo tồn khi điều trị vùng mặt dưới bằng cách luân phiên các vùng điều trị sao cho chỉ một vùng được điều trị botulinum toxin tại mỗi thời điểm (xem phần Giới Thiệu và Các Khái Niệm Cơ Bản, Điều trị Đa vùng bằng Botulinum Toxin).

17. Phối hợp điều trị thẩm mỹ và tối đa hóa hiệu quả

Làm đầy đặn môi trên. Bệnh nhân cười hở lợi và rãnh mũi má sâu thường cũng sẽ có môi trên mỏng. Những bệnh nhân này có thể điều trị phối hợp giữa tiêm botulinum toxin cơ nâng môi trên cánh mũi với filler vào thân môi. Tiêm filler đơn thuần mang lại hiệu quả thấp hơn ở những bệnh nhân kể trên.

Rãnh mũi má. Rãnh mũi má đáp ứng tốt khi điều trị đơn thuần bằng filler, và hiếm khi đòi hỏi phải kết hợp với điều trị botulinum

18. Chi phí điều trị

Chi phí được tính cho thủ thuật điều trị botulinum toxin đối với cười hở lợi trong khoảng 150-200$ mỗi lần điều trị hoặc 25-40$ mỗi đơn vị OBTX. Đây là vùng điều trị nâng cao và do đó giá mỗi đơn vị thuốc sẽ đắt hơn so với điều trị cơ bản ở vùng mặt trên.

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề

 

 

 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *