Thiết bị công nghệ xâm lấn và không xâm lấn trong điều trị sẹo

Bài viết Thiết bị công nghệ xâm lấn và không xâm lấn trong điều trị sẹo được dịch bởi Bác sĩ Phạm Tăng Tùng và Bác sĩ Văn Thị Như Ý từ Sách “SẸO TRỨNG CÁ – PHÂN LOẠI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ” của các tác giả Antonella Tosti, Maria Pia De Padova, Gabriella Fabbrocini, Kenneth R Beer.

Giới thiệu

Sẹo trứng cá có nhiều hình dạng khác nhau và đỏi hỏi cách tiếp cận đa chiều để có thể điều trị thành công. Sẹo trứng cá có thể là sẹo lõm, sẹo phì đại, sẹo có bờ sắt nhọn, sẹo căng giãn được và sẹo không căng giãn được. Sự khác biệt bề mặt da gồm đỏ da, mất sắc tố và tăng sắc tố. Sự tiến bộ trong laser, ánh sáng và sóng cao tần (radiofrequency- RF) đã làm xuất hiện thêm nhiều phương pháp mới trong điều trị sẹo sau mụn trứng cá. Chúng ta bắt buộc phải nắm vững chỉ định của mỗi thiết bị để có thể đưa ra một bản hướng dẫn thực hành cụ thể trong khi phối hợp các thiết bị để điều trị sẹo trứng cá. Chương này sẽ khái quát lại kiến thức về các công nghệ ánh sáng, laser xâm lấn và không xâm lấn, và thiết bị sóng cao tần trong điều trị sẹo trứng cá.

Đèn flash- Laser nhuộm màu xung (PDL) có bước sóng 585 và 595 nm

Đèn flash-laser nhuộm màu xung (FPDL) là một trong những thiết bị laser đầu tiên được sử dụng để điều trị sẹo phì đại và sẹo đỏ da [1, 2]. Chromophore (chất hấp thụ bước sóng) của FPDL là oxyhemoglobin. Do đó, mục đích chúng ta sử dụng thiết bị này là để cải thiện tình trạng đỏ da vì đỏ da thường là biểu hiện chủ yếu của sẹo trứng cá mới hình thành. Ngoài tác dụng làm giảm đỏ da, thiết bị này còn được thấy là có thể giúp cải thiện cấu trúc sẹo. Từ đó, người ta đưa ra giả thuyết rằng tác dụng này liên quan đến sự tăng sản xuất collagen và tái cấu trúc lớp bì khi sử dụng chế độ không xâm lấn. Sử dụng FPDL với dòng năng lượng cao khi điều trị sẹo phì đại và với dòng năng lượng thấp khi điều trị sẹo lõm. Thiết bị FPDL cũng có tác dụng đồng thời giúp cải thiện trứng cá hoạt động, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề còn đang được tranh cải. Cơ chế làm sạch mụn liên quan đến tổn thương thứ phát của tuyến bã nhờn và sự tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes. Người ta thấy có sự gia tăng mRNA (RNA thông tin) mã hóa cho yếu tố tăng trưởng TGF-β1 ở những bệnh nhân sau khi được điều trị bằng FPDL. TGF-β1được biết đến như là một chất kích thích tiềm năng cho quá trình tân tạo collagen cũng như thúc đẩy quá trình giảm viêm, điều này giải thích cho tác dụng kép của FPDL trong việc giúp giải quyết tình trạng trứng cá hoạt động/ đỏ da và cải thiện sẹo trứng cá về lâu về dài. Cần phải thực hiện liệu trình FPDL từ 3 đến 5 lần với khoảng cách 4-6 tuần để đạt hiệu quả [hình 11.1].

Hình 11.1 sẹo trứng cá đỏ da có thể co giãn (a) trước và (b) sau 3 lần điều trị bằng FPDL với bước sóng 585 nm.
Hình 11.1 sẹo trứng cá đỏ da có thể co giãn (a) trước và (b) sau 3 lần điều trị bằng FPDL với bước sóng 585 nm.

Ánh sáng phổ rộng qua thiết bị lọc (Intense Pulsed Light- IPL)

Thiết bị IPL sử dụng thiết bị lọc để chọn lọc ánh sáng phổ rộng mà phần lớn là nằm trong khoảng ánh sáng nhìn thấy. Do đó, có thể sử dụng thiết bị này tương tự như với thiết bị FPDL để điều trị không xâm lấn sẹo trứng cá [3]. Giống như thiết bị FPDL, điều trị với IPL từ 3 đến 5 lần là cần thiết và chỉ định của IPL cũng tương tự FPDL- chủ yếu là điều trị sẹo lồi và sẹo lõm với mục tiêu ban đầu là cải thiện tình trạng đỏ da. Ngoài ra tác dụng đồng thời giúp làm giảm mụn trứng cá hoạt động cũng đã được báo cáo.

Liệu pháp quang học khí hút (photopneumatic Therapy)

Liệu pháp quang học khí hút sử dụng ánh sáng có bước sóng ngắn hơn trong khoảng 420-500 nm như là nguồn sáng phổ rộng, khác với cách truyền thống là sử dụng ánh sáng nhìn thấy để làm nguồn sáng phổ rộng [4]. Tay  cầm hút da vào  trong đồng thời với chiếu tia làm các mục tiêu   ở lớp bì tiến lại gần bề mặt hơn cho phép tia sáng phát ra hiệu quả hơn. Thiết bị này được chỉ định ban đầu để điều trị mụn trứng cá hoạt động, vì mục tiêu của nó là Propionibacterium acnes. Ngoài ra người ta còn thấy có sự cải thiện đối với các sẹo đỏ da, và sẹo nông không co giãn, tác dụng này tương tự như tác dụng có thể thấy được ở các thiết bị FPDL và IPL (hình 11.2). Thiết bị này còn có thể kéo căng da khi hút, lực cơ học tạo ra có thể có tác dụng giúp tái tạo lớp bì về lâu về dài.

Hình 11.2 Sự cải thiện đồng thời của mụn trứng cá hoạt động và sẹo trứng cá đỏ da co giãn (a) trước và (b) sau 5 lần điều trị với liệu pháp quang khí học.
Hình 11.2 Sự cải thiện đồng thời của mụn trứng cá hoạt động và sẹo trứng cá đỏ da co giãn (a) trước và (b) sau 5 lần điều trị với liệu pháp quang khí học.

Laser xung dài 1064 nm

Laser xung dài (LP) 1064 nm ban đầu được tạo ra để triệt lông trên đối tượng người có tone màu da tối. Tác dụng đồng thời lên cấu trúc da và tone màu da được quan sát thấy ở những bệnh nhân được triệt lông, từ đó các bác sĩ bắt đầu sử dụng loại laser này để điều trị sẹo sau trứng cá. Chromophore của laser xung dài (LP) 1064nm chủ yếu là nước, hemoglo- bin cũng hấp thụ một phần bước sóng mặc dù ít hơn nhiều so với thiết  bị FPDL và IPL. Do đó, cũng tương tự như những thiết bị không xâm lấn khác, laser xung dài 1064 cũng được chỉ định để cải thiện các sẹo trứng cá không đỏ da, co giãn [5, 6]. Ngoài ra độ dài vốn có của bước sóng này còn làm cho thiết bị này trở thành một lựa chọn để điều trị những bệnh nhân có tone màu da tối. Khi sử dụng thiết bị bắt buộc phải cài đặt năng lượng thấp và hệ thống làm lạnh vì nếu sử dụng dòng năng lượng cao và làm lạnh kém có thể làm sẹo trở nên xấu hơn. Mô học cho thấy có sự tân tạo colla- gen tương tự như khi điều trị với các thiết bị không xâm lấn khác. Khoảng cách điều trị là từ 2-4 tuần và thường cần phải điều trị từ 3 đến 5 lần.

Laser Q-Switched 1064 nm

Laser Q-Switched 1064 nm sử dụng màn trập quang cơ, cho phép bắn ra bước sóng 1064 nm với độ rộng xung tính bằng nano giây. Loại laser này ban đầu được thiết kế để xóa mực xăm màu xanh da trời- đen. Cơ chế xóa xăm của thiết bị này dựa vào hiện tượng quang âm, trong khi cơ chế tái tổ chức lớp bì trong điều trị sẹo là sự phối hợp của hiện tượng quang âm và sự hấp thu bước sóng bởi nước từ đó đưa đến sự tái tổ chức lại col- lagen trong lớp bì [7]. Đây là loại laser an toàn nhất đối với da tone màu tối và không cần phải tiếp xúc lạnh. Cài đặt năng lượng thấp khi điều trị sẹo, khác so với khi xóa xăm. Cần điều trị từ 3 đến 5 liệu trình, và khoảng cách giữa các liệu trình là từ 4-6 tuần.

Hiện tượng quang âm: là hiện tượng hình thành sóng âm khi vật chất hấp thụ ánh sáng (https://en.wikipedia.org/wiki/Photoacoustic_effect )

 Pico laser 755 và 1064 nm

Những tiến bộ gần đây của công nghệ laser cho điều trị sẹo sử dụng xung laser có động rộng pico giây ở bước sóng 755 và 1064 nm [8,9]. Pico laser sử dụng năng lượng quang âm và năng lượng quang nhiệt. Năng lượng quang âm chiếm ưu thế làm giảm nguy cơ tổn thương nhiệt và do đó làm tăng độ an toàn khi điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân có tone màu da tối. Bộ tách chùm tia holographic trong domain pico giây và các dãy thấu kính trong domain pico giây tạo ra tác dụng nhiệt giúp kích thích sản xuất collagen mới.

Laser 1320 nm

Laser 1320 nm là loại laser đầu tiên được nghiên cứu riêng nhằm tái tạo bề mặt không xâm lấn trong điều trị nếp nhăn. Cơ chế hoạt động của máy là sử dụng bước sóng dài 1320 nm, bước sóng này có khả năng xuyên sâu vào lớp bì, vượt quá lớp thượng bì và giúp bảo vệ thượng bì bằng hệ thống làm lạnh. Kết quả đạt được khi điều trị nếp nhăn nhìn chung gây thất vọng, nhưng kết quả khi điều trị sẹo trứng cá không co giãn lại tốt hơn [10].

Laser Diode 1450 nm

Như với laser 1320 nm, laser diode 1450 nm ban đầu được phát triển để tái tạo bề mặt không xâm lấn đối với những nếp nhăn ở mặt. Tác dụng đồng thời được quan sát thấy khi sử dụng laser 1450 nm là tác dụng gây hoại tử nhiệt lên các tuyến bã nhờn [11]. Do đó, các tổn thương đang hoạt động của mụn trứng cá thường đạt được hiệu quả vài liệu trình điều trị. Sự hấp thu không chọn lọc của nước và khả năng xâm nhập sâu hơn cho phép quá trình tân tạo collagen và tái tổ chức lớp bì diễn ra đồng thời, do đó laser này cũng được ứng dụng trong điều trị sẹo. Khả năng xâm nhập sâu cho phép điều trị những sẹo nghiêm trọng hơn, đây là điểm khác biệt của laser 1450 nm so với các thiết bị không xâm lấn khác như FPDL, IPL và laser 1064 nm. Sẹo lõm cũng như sẹo phẳng và sẹo lồi có thể được điều trị thành công với laser loại này. Một chuỗi liệu trình điều trị có thể từ 3 đến 5 lần với khoảng cách điều trị là 4-6 tuần. Sự cải thiện tình trạng mụn cũng là một tác dụng thêm vào của laser 1450 nm. Bất lợi chính của laser diode 1450 nm là gây cảm giác không thỏa mái, do đó bắt buộc phải sử dụng thuốc bôi tê mạnh.

Laser vi điểm không xâm lấn 1540 và 1550 nm

Sự tiến bộ lớn nhất trong điều trị sẹo trứng cá là sự phát triển của phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser vi điểm không xâm lấn với bước sóng ở khoảng giữa của vùng ánh sáng hồng ngoại [12, 13]. Các loại laser này được phát triển với mục đích ban đầu là để tái tạo bề mặt do những tổn thương ánh sáng vì tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn mang nhiều nguy cơ trong khi phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser không xâm lấn thì mang lại kết quả hạn chế. Ngoài những kết quả tuyệt vời trong tái tạo bề mặt của những tổn thương ánh sáng mức độ từ nhẹ đến trung bình, các loại laser này còn mang lại kết quả ấn tượng đối với sẹo trứng cá. Chromophore của các loại laser trên là nước và khả năng xuyên sâu của nó là trên 1 mm vào trong lớp bì. Năng lượng của laser được phát ra thông qua một dãy các tia vi điểm kích thước nhỏ, hoặc ở dạng đóng dấu (laser 1540 nm) hoặc ở dạng random (1550 nm). Chế độ bắn tia vi điểm cho phép tạo ra những vùng vi tổn thương. Mật độ và năng lượng điều trị có thể được điều chỉnh dựa vào mức độ sẹo trứng cá, vị trí giải phẫu và tone màu da. Đây là phương pháp điều trị an toàn đối với tất cả các màu da. Chế độ bắn năng lượng vi điểm giúp làm giảm mức độ đốt nóng (là nguyên nhân chính của các biến chứng đối với laser xâm lấn và không xâm lấn). Tất cả các loại sẹo trứng cá – ice pick, rolling, boxcar, co giãn (distensible), không co giãn (non-distensible) và sẹo đỏ da (erythematous scar) đều có thể được điều trị thành công (hình 11.3). Hơn nữa, sẹo mất sắc tố cũng có thể được điều trị thành công với phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser vi điểm không xâm lấn. Nhu cầu điều trị bổ trợ đối với sẹo ice pick và sẹo rolling (ví dụ: cắt đáy sẹo) đã giảm một cách đáng kể từ khi đạt được sự tiến bộ trong tái tạo bề mặt bằng laser vi điểm. Cần phải chỉ định làm từ 3 đến 7 lần, khoảng cách giữa các lần điều trị là 4-6 tuần.

Hình 11.3 sẹo trứng cá đa hình thái (a) trước và (b) sau 5 lần điều trị với phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser vi điểm không xâm lấn 1550 nm.
Hình 11.3 sẹo trứng cá đa hình thái (a) trước và (b) sau 5 lần điều trị với phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser vi điểm không xâm lấn 1550 nm.

Laser vi điểm xâm lấn 2940 và 10600 nm

Sự ra đời của laser xâm lấn 2940 và 10600 nm [14] xuất phát từ mong muốn làm giảm số lần điều trị tái tạo bề mặt so với laser không xâm lấn và để làm giảm nguy cơ của laser xâm lấn truyền thống cùng bước sóng. Những thiết bị này tương đối mới và các số liệu về hiệu quả của chúng đối với sẹo trứng cá vẫn còn ít. Bước sóng 2940 nm có ái tính với nước cao nhất nhưng cần phải cài đặt dòng năng lượng cao hơn để đốt do đó thủ thuật với laser này gây chảy máu nhiều hơn. Bước sóng 10600 nm được sử dụng tốt nhất với năng lượng cao, cho phép xâm nhập vào sâu hơn. Có một vài báo cáo về kết quả đầy ấn tượng khi sử dụng laser xâm lấn 10600 trong điều trị sẹo trứng cá với số lần điều trị ít hơn so với các loại laser vi điểm không xâm lấn [15].

Lăn kim RF

Lăn kim RF giúp tạo ra những vùng tổn thương nhiệt mà không gây tổn thương lớp thượng bì [16]. Năng lượng sóng cao tần (RF) được phát ra thông qua vi kim bằng cách sử dụng các mũi kim nhỏ cách điện giúp hạn chế gây tổn thương điện nhiệt ở bất kì vùng nào của lớp bì ngoại trừ vùng tiêp xúc với đầu của vi kim. Độ sâu của kim có thể được điều chỉnh từ 0.5 đến 3.5 mm dựa vào độ sâu của thương tổn. Quá trình tân tạo collagen xảy ra có lẽ thông qua sự giải phóng của các yếu tố tăng trưởng. Do lớp thượng bì được bảo tồn, quá trình lành da diễn ra nhanh hơn và ít nguy cơ bị tăng sắc tố sau viêm hơn, đặc biệt là những người da tối màu.

Laser xâm lấn truyền thống 2940 và 10600 nm

Phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn truyền thống sử dụng bước sóng 2940 và 10600 nm. Những thiết bị này ngày càng ít phổ biến do kéo dài thời gian lành và hồi phục của da, ngoài ra những trường hợp tái tạo bề mặt với laser xâm lấn truyền thống 10600 nm sẽ có nguy cơ cao bị mất sắc tố. Laser xâm lấn truyền thống 10600 nm có ưu điểm hơn so với laser xâm lấn truyền thống 2940 nm nhờ khả năng cầm máu tốt hơn. Sự ra đời của laser xung dài 2940 nm ngày nay có thể giúp cầm máu tốt hơn. Đối với sẹo trứng cá, laser xâm lấn 2940 nm có thể ưu thế hơn so với laser 10600 m nhờ khả năng xâm nhập sâu hơn, do đó cho phép điều trị nhiều loại sẹo trứng cá hơn [17-19].

Phối hợp nhiều phương pháp điều trị

Bảng 11.1 tóm tắt cách tiếp cận đơn trị liệu trong điều trị sẹo trứng cá. Cũng như trong điều trị trẻ hóa da mặt, có nhiều bằng chứng ủng hộ rằng điều trị sẹo trứng cá đòi hỏi tiếp cận dựa trên nhiều phương pháp. Điều này đặc biệt đúng đối với các loại sẹo ice pick, sẹo lõm sâu và sẹo liên thông. Mổ cắt sẹo thường là phương pháp cần thiết nếu sẹo quá lớn và với sẹo ice pick tự nhiên, mặc dù nhu cầu sử dụng phương pháp này đã giảm do sự ra đời của laser tái tạo bề mặt vi điểm không xâm lấn.

Thiết bị Chế độ Loại sẹo trứng cá được lựa chọn điều trị
Laser xung nhuộm màu-đèn flash (FPDL) 585 nm, 595 nm Không xâm lấn Sẹo đỏ da và sẹo co giãn
Liệu pháp quang học khí hút, ánh sáng phổ rộng Không xâm lấn Sẹo đỏ da, sẹo tăng sắc tố và sẹo co giãn
Laser xung dài 1064 nm Không xâm lấn Sẹo trứng cá co giãn, sẹo rỗ tinh tế
Laser Q-switched 1064 nm Không xâm lấn Sẹo trứng cá co giãn, sẹo rỗ tinh tế
Laser 1320 nm Không xâm lấn Sẹo trứng cá co giãn, sẹo rỗ và sẹo boxcar từ nhẹ-trung bình
Laser 1450 nm Không xâm lấn Sẹo trứng cá co giãn, sẹo rỗ và sẹo boxcar từ nhẹ-trung bình
Laser 1540 và 1550 nm Vi điểm không xâm lấn Sẹo đa hình thái
Laser 2940 và 10600 nm Vi điểm xâm lấn Sẹo đa hình thái
Laser 2940 và 10600 nm Xâm lấn Sẹo đa hình thái

Kết luận

Có thể điều trị thành công sẹo trứng cá với nhiều thiết bị khác nhau. Các thiết bị không xâm lấn gồm FPDL, IPL, laser LP 1064 nm, laser QS 1064 nm, laser 1320 nm và laser 1450 nm. Những thiết bị không xâm lấn này là lựa chọn điều trị tốt nhất đối với sẹo nông, tinh tế và sẹo đỏ da. La- ser 1320 và 1450 nm có thể có lợi hơn đối với sẹo diện tích rộng. Các loại laser vi điểm không xâm lấn gồm laser 1540 và 1550 nm được xem là tiêu chuẩn vàng để điều trị sẹo, có thể điều trị nhiều loại sẹo trứng cá đa hình thái nhất và giúp làm giảm nhu cầu phẫu thuật cắt sẹo và cắt đáy sẹo. Các loại laser vi điểm xâm lấn gồm laser 2940 và 10600 nm được chế tạo gần đây và có thể cho kết quả tương đương với laser vi điểm không xâm lấn, nhưng với số lần điều trị ít hơn. Các loại laser xâm lấn truyền thống gồm laser 2940 và 10600 nm, các loại laser này tuy có hiệu quả trong điều trị sẹo trứng cá, nhưng lại mang nhiều nguy cơ và chậm lành vết thương. Các thiết bị được sử dụng tốt nhất khi phối hợp với các phương pháp cắt đáy sẹo, phẫu thuật cắt sẹo và filler da để có thể điều trị sẹo trứng cá hiệu quả nhất.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *