Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là kết quả của quá trình hồi phục tự nhiên, hình thành sau khi cấu trúc da bị tổn thương do một vài nguyên nhân như mụn trứng cá, phẫu thuật, tai nạn,…thậm chí do cơ thể tự phát.
Sẹo lồi thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nó gây không ít tâm lý mặc cảm, ngại ngùng do mất thẩm mỹ.
Sự khó khăn trong điều trị sẹo lồi cũng là thách thức cho cả các bác sĩ và bệnh nhân. Tuy vậy, nếu áp dụng đúng phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân cải thiện được làn da và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.
Đặc điểm của sẹo lồi
Sẹo lồi rất dễ nhận biết bằng các biểu hiện sau đây:
– Có kích thước lớn hơn vết thương ban đầu, thường hình thành sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng kể từ thời điểm vùng da bị tổn thương bắt đầu hình thành chân sẹo.
– Có thể có nhiều hình dạng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của da, sẹo lồi nhô lên khỏi bề mặt da, bề mặt sẹo sần sùi hoặc có rãnh sâu.
– Sờ bằng tay có cảm giác cứng hoặc như bóng cao su.
– Sẹo lồi có màu sắc khác nhau ở mỗi người, có các sắc độ thay đổi tùy theo thời gian hình thành sẹo hoặc theo mức độ thương tổn của da từ hồng nhạt hoặc đỏ đến nâu sẫm.
– Quá trình sẹo phát triển có thể gây ra các triệu chứng như đau nhức, ngứa, cảm giác co kéo khó chịu.
– Ảnh hưởng đến khả năng vận động nếu sẹo lồi xuất hiện ở các khớp.
– Khả năng tái phát cao.
Các vị trí dễ hình thành sẹo lồi
Sẹo lồi có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nếu có chấn thương. Nhưng lại phổ biến hơn ở một số vị trí như:
– Ngực giữa (do phẫu thuật).
– Lưng hay vai (do tai nạn hay các vấn đề liên quan đến mụn trứng cá).
– Các vị trí xỏ khuyên trên cơ thể như dái tai, mũi, môi.
– Vùng da trên cơ delta của cánh tay (sau tiêm chủng vacxin phòng bệnh).
– Cổ, vùng xương chậu hay vùng da trên xương quai xanh cũng là những vị trí dễ hình thành sẹo lồi.
Một số yếu tố làm tăng khả năng hình thành sẹo lồi
– Người có làn da sẫm màu.
– Đã từng bị sẹo lồi trước đó.
– Các nhà khoa học cho rằng di truyền cũng là một trong những yếu tố quyết định sự hồi phục của da. Họ nhận thấy rằng cha mẹ có sẹo lồi thì con cái cũng có khả năng bị sẹo lồi nếu không may gặp các thương tổn.
– Người ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi khả năng hình thành sẹo cũng cao hơn.
– Nữ giới dễ hình thành sẹo hơn nam giới.
Nguyên nhân hình thành sẹo lồi
Các loại chấn thương gây sẹo lồi bao gồm chấn thương hậu tai nạn, bỏng, thủy đậu, nhiễm trùng, mụn trứng cá, côn trùng cắn, xỏ khuyên, trầy xước, phẫu thuật hay tiêm chủng.
Sau khi chịu tổn thương, các tế bào da sẽ khắc phục bằng cách tăng sinh sợi collagen (1 loại protein có tính đàn hồi, giúp liên kết các tế bào, bảo vệ da, giúp khôi phục làn da săn chắc). Sự mất cân bằng trong quá trình tổng hợp collagen khiến chúng có xu hướng phát triển quá mức vượt tầm kiểm soát của tế bào. Collagen tích tụ ngày một nhiều ở lớp trung bì là nguyên nhân chính hình thành nên sẹo lồi.
Trong quá trình này, sự co kéo của các tế bào collagen khiến làn da cảm thấy đau nhức, ngứa ngáy. Sự khó chịu này sẽ biến mất khi vết sẹo lớn dần.
Sự mất cân bằng này diễn ra càng lâu, kích thước vết sẹo sẽ càng lớn, lớn hơn nhiều lần so với vết sẹo ban đầu.
Nếu người bị sẹo là người trẻ tuổi, khả năng cao các vết sẹo vẫn tiếp tục tăng kích thước vì đây là độ tuổi phát triển của cơ thể, tế bào sẽ không ngừng sinh sôi và hoạt động.
Sẹo lồi có điều trị được không?
Điều trị sẹo lồi để cải thiện vấn đề thẩm mỹ cho da là một thử thách đối với các bác sĩ cũng như người bệnh. Hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam đã và đang áp dụng rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp nào được chứng minh là hiệu quả hơn các phương pháp khác, chỉ có thể điều trị ở mức tương đối, tức là chỉ có thể giúp vết sẹo giảm đi kích thước, bớt sần sùi mà mờ hơn chứ không thể làm vết sẹo biến mất, trả lại một làn da mịn màng như ban đầu.
Điều trị sẹo lồi rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Và không phải lúc nào cũng thành công. Tuy vậy việc kết hợp nhiều phương pháp điều trị tiên tiến có thể giúp da cải thiện một cách đáng kể, giúp người bệnh bớt cảm giác tự ti, mặc cảm khi tiếp xúc với người khác, tăng chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị sẹo lồi hiện đại cho hiệu quả cao
Tiêm steroid
Là một trong những phương pháp đầu tiên được dùng để điều trị sẹo lồi. Phương pháp này sử dụng các Corticosteroid là những chất kháng viêm, tiêm vào vết sẹo, mỗi lần tiêm cách nhau 1-2 tháng tùy thuộc mức độ đáp ứng của da với thuốc.
Steroid được ưa dùng nhất là Triamcinolone acetonide (với liều từ 5 đến 40 mg/ml). Thuốc làm giảm kích thước của các vết sẹo nhờ cơ chế ức chế alpha 2-macroglobulin, tăng sự hoạt động của enzyme collagenase, có tác dụng tăng phân hủy các sợi collagen.
Phương pháp này thường gặp các tác dụng phụ như rối loạn chuyển hóa mỡ, gây tăng cân, loãng xương, các bệnh về đường huyết, huyết áp, làm da yếu đi, làm chậm lành các vết thương.
Không khuyến khích áp dụng phương pháp này cho trẻ em vì nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Nếu bệnh nhân không tiêm được có thể áp dụng các biện pháp khác như dán băng tẩm steroid trong 12 giờ một ngày hay áp dụng tấm gel silicone trong vài tháng.
Điều trị bằng 5-fluorouracil
Tiêm chất 5-fluorouracil (5-FU) vào sẹo là phương pháp sử dụng để điều trị sẹo lồi có kích thước nhỏ, số lượng ít, nằm riêng biệt. 5-FU được biết như một chất có khả năng tiêu diệt tế bào bằng cách ức chế enzyme thymidylate synthetase, ngăn chặn quá trình tổng hợp ADN cho nhân tế bào.
Điều trị bằng laser PDL
Biện pháp này được áp dụng cho các vết sẹo mới hình thành. Chiếu tia Laser vào vết sẹo, các mạch máu nuôi dưỡng tế bào sẹo bị phá hủy. Tuy nhiên hiệu quả thu được của phương pháp này không cao, nó làm giảm một số triệu chứng như mẩn đỏ hay cảm giác ngứa nhưng chưa thực sự làm giảm kích thước vết sẹo.
Hiện nay, corticosteroid kết hợp với 5-FU và PDL trong một liệu pháp bộ ba, nâng cao kết quả và giảm tác dụng phụ thường được áp dụng làm phương pháp điều trị ở người lớn.
Phẫu thuật lạnh
Phẫu thuật đông lạnh sẹo lồi sớm bằng nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 làm phá hủy tế bào, các tế bào sẹo đông cứng lại, không được cung cấp đủ oxy lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử, bong tróc ra.
Đây là phương pháp điều trị dễ thực hiện, hiệu quả, an toàn và ít bệnh tái phát nhất.
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo
Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân đã điều trị với những biện pháp khác nhưng không đạt được kết quả mong muốn hoặc vết sẹo phát triển ngày một lớn. Vết sẹo sẽ được cắt bỏ và khâu kín, được ghép với miếng da mỏng.
Biện pháp này vẫn tồn tại nguy cơ tái phát cao, vết thương sau tái phát thường sẽ nghiêm trọng hơn.
Sử dụng tia phóng xạ
Xạ trị thường được kết hợp với phẫu thuật để đề phòng khả năng tái phát sẹo. Sự kết hợp này mang lại kết quả rất khả quan đặc biệt với các vết sẹo lồi ở tai.
Cũng có thể kết hợp tiêm interferon hoặc bôi trực tiếp Imiquimod 5% vào vết thương sau phẫu thuật để dự phòng sẹo lồi tái phát.
Liệu pháp Cryotherapy
Phương pháp này có tỉ lệ thành công khá cao, ít xảy ra tác dụng phụ, thường được kết hợp với các phương pháp khác để thu về hiệu quả tối ưu hơn. Vết sẹo sau điều trị có bề mặt bằng phẳng hơn, không phát triển thêm về kích thước do đã bị đóng băng bằng nitơ lỏng.
Điều trị sẹo lồi bằng các loại thuốc
– Các loại thuốc đường uống như Methotrexate, Pentoxifylline, Colchicine thường được chỉ định để dự phòng tái phát sẹo lồi sau phẫu thuật.
– Các loại thuốc như Colchicine, Tretinoin bôi lên da làm giảm ngứa và các triệu chứng khác.
– Hiện nay Tacrolimus được ưa thích trong điều trị nhờ cơ chế ngăn chặn gen gli-1 trong tế bào nuôi dưỡng sẹo, tác dụng này hiện nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu xác định tính hiệu quả của nó.
Cách phòng ngừa sẹo lồi
Sẹo lồi rất khó chữa trị, không có một phương pháp nào giúp loại bỏ hoàn toàn vết sẹo và tỉ lệ tái phát sẹo cũng khá cao. Do vậy phòng ngừa sẹo lồi được xem là biện pháp tối ưu nhất, đặc biệt đối với những người có cơ địa dễ bị sẹo lồi nếu không may làn da chịu bất kì một tổn thương nào.
Chúng ta có thể đề phòng sự hình thành và phát triển của sẹo bằng các cách như:
– Đối với những người có yếu tố làm gia tăng khả năng bị sẹo lồi nên cân nhắc không xỏ khuyên, xăm mình hay các thủ thuật nhỏ khác.
– Không nên tự ý nặn mụn.
– Nếu da gặp dị ứng do thời tiết hay côn trùng cắn,… mà có triệu chứng ngứa nên đến gặp bác sĩ sớm, sử dụng thuốc bôi ngoài da điều trị triệu chứng chứ không nên gãi làm xuất hiện vết xước.
– Nếu chẳng may da bị trầy xước (do va chạm, do gãi nhiều,…) nên giữ cho vết thương sạch sẽ và khô thoáng, sát trùng bằng nước muối sinh lý hoặc các thuốc sát trùng khác để da không bị nhiễm trùng, sử dụng các loại thuốc bôi sẹo hoặc nghệ tươi bôi lên vết thương đã khô để ngăn chặn sự hình thành sẹo lồi.
– Với các vết thương nặng không nên tự ý băng bó hoặc để quá lâu mới đến cơ sở y tế, vết thương nên được các bác sĩ xử lý đúng cách, lấy các dị vật nếu có ra ngoài, khâu thẩm mỹ nếu cần.
– Trường hợp bị bỏng không nên tự ý bôi các loại hóa chất mà nên ngâm vết bỏng trong nước lạnh trước rồi nên đến bệnh viện xử lý kịp thời.
– Tiêm phòng vacxin phòng ngừa thủy đậu sớm.
– Ánh sáng từ mặt trời có thể làm tình trạng da xấu đi, là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện sẹo lồi. Nên sử dụng kem chống nắng hay các đồ dùng chống nắng khác, tránh để vết thương hở ngoài ánh nắng.
– Chế độ ăn bổ sung nhiều vitamin C, kẽm khi bị thương giúp hạn chế khả năng hình thành sẹo. Không nên ăn các loại thức ăn như tôm, cua, xôi nếp, rau muống,… trong khoảng thời gian này.
Xem thêm:
Cắt khâu sẹo, bấm nâng sẹo và ghép da bằng dụng cụ bấm
Kỹ thuật cắt đáy sẹo: ưu điểm, quy trình tiến hành, xử lý biến chứng
có thuốc nào trị sẹo tốt ko?