Tìm hiểu về phương pháp lột da bằng Glycolic Acid

Bài viết Tìm hiểu về phương pháp lột da bằng Glycolic Acid được biên dịch bởi Bs Phạm Tăng Tùng từ Sách “PEEL HÓA CHẤT VÀ CÁC THỦ THUẬT TRONG THẨM MỸ DA” của tác giả Maria Claudia Almeida Issa và Bhertha Tamura.

1. Tóm tắt

Lột da (peel) là một trong những thủ thuật lâu đời và phổ biến nhất trong ngành da liễu thẩm mỹ trên thế giới. Lột da hóa học được chia thành lột da nông, trung bình và sâu tùy vào mức độ xâm nhập của dung dịch lột da. Peel bằng glycolic acid (GA) được sử dụng nhiều nhất trong các loại peel bằng alpha hydroxyl acid (AHA) để peel rất nông, nông và thậm chí là peel ở độ sâu trung bình, bệnh nhân có thể dung nạp tốt tất cả những hình thức peel này mà không gây ra ngộ độc hệ thống. Peel bằng GA đã được sử dụng như là một liệu pháp kết hợp trong một loạt các vấn đề về da nhờ vào hiệu quả chống viêm, tiêu sừng và chống oxi hóa của nó. Độ sâu khi peel bằng GA phụ thuộc vào nồng độ của acid được sử dụng, thời gian bôi, và bệnh của da. Mụn trứng cá (viêm và không viêm), sẹo mụn, nám má, lão hóa da ánh sáng, và tăng sắc tố sau viêm đều có thể điều trị bằng peel GA, nhưng chỉ định hay gặp nhất là trẻ hóa da. Cũng giống như peel bằng các AHA khác, GA cần được trung hòa khi kết thúc quá trình peel, cũng như cần peel lặp lại một vài lần để đạt được kết quả thẩm mỹ như mong muốn. Peel GA hầu như không cần thời gian phục hồi (downtime) trên lâm sàng và kết quả mang lại rất khác nhau giữa các bệnh nhân, tuy nhiên nếu chọn bệnh nhân phù hợp và dùng đúng kĩ thuật thì peel bằng GA có thể cải thiện da đáng kể. Ngoài ra, peel GA có thể được sử dụng đơn lẻ hay phối hợp với các kĩ thuật khác như tiêm botox, tiêm filler để thúc đẩy quá trình chống lão hóa da trên mặt.

2. Nội dung

  • Giới thiệu
  • Glycolic acid peel
  • Độ mạnh và liều lượng của peel
  • Chỉ định
  • Chống chỉ định
  • Cơ chế hoạt động
  • Đánh giá tiền peel
  • Vật liệu, dụng cụ cần thiết
  • Thực hành peel
  • Chuẩn bị da
  • Thủ thuật làm sạch
  • Bôi acid
  • Trung hòa
  • Chăm sóc sau peel
  • Biến chứng

3. Liệu pháp phối hợp

  • Peel bằng GA và TCA
  • Dung dịch Jessner và peel GA
  • Ưu điểm và nhược điểm của peel bằng Glycolic acid
  • Ghi nhớ
  • Tham khảo chéo
  • Tham khảo

4. Giới thiệu

Lột da bằng hóa chất thực hiện bằng cách bôi hóa chất lên da nhằm phá hủy có kiểm soát một phần hay toàn bộ lớp thượng bị, kèm theo hoặc không kèm theo sự phá hủy lớp bì, đưa đến sự bong tróc và loại bỏ những tổn thương bề mặt từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo mô thượng bì và mô bì mới (Khunger 2008). Lột da hóa học được chia thành lột da rất nông, nông, trung bình và sâu tùy thuộc vào mức độ thấm vào của dung dịch peel.

Trong peel rất nông, sự hoại tử chỉ diễn ra ở lớp sừng thượng bì. Peel nông sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ lớp thượng bì phía trên lớp đáy. Peel trung bình đặc trưng bởi sự hoại tử đến lớp bì lưới trên. Theo Rubin, người đã đưa ra phân loại da tổn thương do ánh sáng dựa thên độ sâu mô học của tổn thương, thì peel phải đạt đến được độ sâu nhất nơi tồn tại những vấn đề của da mới đạt được kết quả tốt nhất, điều này có nghĩa là việc lựa chọn bệnh nhân và tổn thương phù hợp để điều trị là yếu tố quyết định để đạt được kết quả mong muốn (Ditre 2006; Fabbro- cini. 2009). Peel hóa chất có thể được sử dụng để điều trị mụn, sẹo mụn, rối loạn sắc tố, và các dấu hiệu lão hóa da ánh sáng như: nếp nhăn, dày sừng ánh sáng, và đốm nâu.

Peel hóa chất đã đứng vững qua thử thách của thời gian, và ngày nay có rất nhiều chế phẩm peel sẵn có trên thị trường. Rất nhiều hóa chất khác nhau đã được sử dụng như là chất peel, trong đó được sử dụng nhiều nhất là alpha hydroxyl acid như glycolic acid hoặc beta hydroxyl acid như salicylic acid (Fabbrocini. 2009). Trong chương này chúng ta sẽ tập trung tiếp cận cách sử dụng glycolic acid để peel, chất này có tác dụng tiêu sừng, tăng sinh các lớp tế bào và kích thích tế bào sợi (fibro- blast) (Fabbrocini. 2012). Trước khi đi sâu vào GA, chúng ta sẽ được giới thiệu ngắn gọn về alpha hydroxyl acid (AHA).

AHA được phát triển bởi Van Scott và Yu từ năm thập niên 1980 thời điểm mà peel nông được áp dụng nhiều hơn cho các trường hợp tăng sừng. Kết quả là người ta đã phát triển peel bằng glycolic acid (Fischer 2010). AHAs là một nhóm các acid hữu cơ có chung gốc hydroxyl ở vị trí alpha. Những chất này được tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên như trái cây, mía, và sữa chua. AHAs gồm có glycolic acid (nguồn gốc từ mía), lactic acid (từ sữa chua), citric acid (từ chanh và cam), malic acid (từ táo), và tartaric acid (từ nho).

Nguồn gốc tự nhiên của glycolic acid là từ mía, tuy nhiên glycolic acid dùng trong tự nhiên được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ các phản ứng hóa học. AHA đơn giản và được sử dụng nhiều nhất là glycolic acid (GA), chất này có cấu trúc 2 phân tử carbon có đặc tính ưa nước mạnh giúp nó xâm nhập tốt hơn vào da tốt hơn.

GA dùng để peel thường có nồng độ 30%-70% để có thể làm tiêu lớp thượng bì và gây bong vảy. AHAs là những acid yếu giúp trẻ hóa da thông qua tác dụng chuyển hóa và ăn da của nó, những acid này cần được trung hòa bằng dung dịch base như sodium bicarbonate, sodium hydroxide, hoặc nước để ngưng tác dụng của chúng khi kết thúc peel (Murad 1995).

Trong phần này chúng ta sẽ xem xét đến độ mạnh và liều lượng của GA khi peel, và sau đó là tiếp cận với cơ chế hoạt động của nó. Từ đó chúng ta sẽ bàn luận đến chỉ định của GA, lựa chọn bệnh nhân phù hợp và cơ chế hoạt động. Tiếp theo đó là đánh giá tiền peel, an toàn trong thực hành peel và chăm sóc sau peel cũng sẽ được thảo luận. Ngoài ra những biến chứng của thủ thuật cũng như sự phối hợp các thủ thuật khác cũng được nhắc đến.

5. PEEL BẰNG GLYCOLIC ACID

Độ mạnh và nồng độ

GA là một chất lột da có nhiều tác dụng và có thể dùng ở nhiều độ mạnh khác nhau tùy theo nồng độ và thời gian tiếp xúc. Khoảng nồng độ gly- colic acid trong peel từ 20% đến 70%, và pH từ 1 đến 3. Chúng xuất hiện trên thị trường ở các dạng dung dịch free acid, dung dịch trung tính một phần (pH cao hơn) hay dung dịch đệm. Khi sử dụng dạng dung dịch đệm thì thời gian tiếp xúc cần thiết với hóa chất peel sẽ lâu hơn. Sự hấp thu gly- colic acid ở da người tùy thuộc vào pH, độ mạnh và thời gian (Fabbrocini. 2012). GA có nhiều dạng khác nhau từ dung dịch cho đến gel, trong đó dạng gel được ưa thích hơn do nó thấm vào chậm hơn và dễ kiểm soát hơn. Dung dịch acid tự do có pH thấp hơn dung dịch trung tính một phần cho phép lột da sâu hơn. Tương tự như vậy, nguy cơ acid thấm không đều vào da cao hơn với dung dịch có pH rất thấp, dẫn đến gây ra vùng lột da sâu hơn.

Giá trị pH và nguy cơ acid xâm nhập vào lớp bì có mối quan hệ thuận nghịch, nghĩa là nồng độ pH càng thấp thì nguy cơ xâm nhập vào lớp bì càng cao và peel càng sâu (có thể gây sẹo). Ngược lại, pH càng cao, thì dung dịch càng trung tính, càng ít acid tự do (hoạt tính sinh học thấp) và khả năng thấm vào da càng thấp. Dung dịch có pH thấp hơn sẽ gây bỏng, châm chích, và đỏ da nhiều hơn, tuy nhiên bệnh nhân ít dung nạp hơn so với dung dịch có pH cao hơn (Kede và Guedes. 2012).

Cần phải nhớ rằng độ sâu của peel nên được điều chỉnh theo độ sâu bệnh học của bệnh được điều trị; ví dụ, peel nông có thể cải thiện tính trạng mụn, nếp nhăn nhỏ, nám má nông, tuy nhiên sẽ không thể giúp cải thiện nếp nhăn sâu, nám má sâu, hay tăng sắc tố sau viêm. Khuyến cáo nên bắt đầu peel với nồng độ acid thấp (20- 30%) sau đó tăng dần nồng độ và thời gian tiếp xúc trong những lần peel tiếp theo (Landau 2007). Trung hòa acid là một bước quan trọng của thủ thuật và nên được tiến hành ngay lập tức với sodium bicarbonate hoặc nước sôi để nguội ngay khi đạt được điểm cuối lâm sàng. Nếu GA không được trung và được giữ lại trên da trong thời gian quá dài, nó có thể gây ra tổn thương ở lớp bì (Monheit và Chastain. 2012).

6. Chỉ định

GA có thể được sử dụng để điều trị tăng sắc tố sau viêm, đốm nâu, nám má thượng bì (nông) (hình. 1), tăng tiết bã nhờn, và những nếp nhăn nhỏ (hình. 2) (Monheit và Kayal 2003). Mụn (hình. 3) ở các độ nặng khác nhau là một trong những chỉ định tốt của peel GA. Ở những bệnh nhân này, peel GA được sử dụng rộng rãi hơn so với dung dịch Jessner vì peel GA có hiệu quả điều trị tương đương nhưng ít gây bong tróc da hơn (Fabbrocini. 2012; Kim. 1999). Số lần peel và tần suất phụ thuộc vào mức độ đáp ứng lâm sàng, bệnh nhân thường dung nạp tốt với peel bằng GA. Cân nhắc điều trị nám má với peel bằng GA, vì sau peel sự phân bổ của melanin đồng đều hơn, và đào thải sự tích tụ mela- nin, do đó GA rất hữu ích trong điều trị nám má thượng bì. Tuy nhiên, nhiều nghên cứu so sánh hiệu quả của của các loại peel đối với nám má cho kết quả trộn lẫn, và việc sử dụng các chất peel không gây viêm như salicylic acid được ưa thích hơn cho những vấn đề trên vì khả năng gây tăng sắc tố sau viêm thấp hơn (Monheit và Chastain. 2012).

Hình 1: Trước và sau khi peel GA (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) cho bệnh nhân nám má với kết quả thành công
Hình 1: Trước và sau khi peel GA (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) cho bệnh nhân nám má với kết quả thành công
Hình 2: Ảnh trước và sau khi lột da bằng glycolic acid (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) điều trị trẻ hóa da cho kết quả thành công (cải thiện kết cấu, nếp nhăn nhỏ, và sắc tố da)
Hình 2: Ảnh trước và sau khi lột da bằng glycolic acid (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) điều trị trẻ hóa da cho kết quả thành công (cải thiện kết cấu, nếp nhăn nhỏ, và sắc tố da)
Hình 3: Ảnh trước sau lột da bằng GA (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) trong điều trị sẹo mụn
Hình 3: Ảnh trước sau lột da bằng GA (6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần) trong
điều trị sẹo mụn

Glycolic acid có thể được dùng phối hợp với 5-fluorouracil để điều trị các bệnh tiền ung thư da như dày sừng ánh sáng và viêm môi ánh sáng, hỗn hợp này được gọi là fluorouracil-hy- droxy pulse peel (Jackson 2014).

Peel GA nông phù hợp với bệnh nhất ở tất cả các phân loại da; tuy nhiên peel GA trung bình nên tránh áp dụng đối với bệnh nhân có phân loại Fitzpatrick loại IV và V vì nguy cơ gây tăng và giảm sắc tố sau peel.

7. Chống chỉ định

Peel bằng GA chống chỉ định với các trường hợp cụ thể như đang bệnh nhân đang mang thai và cho con bú, nhiễm herpes simplex ở trạng thái hoạt động, viêm da tiếp xúc và dị ứng với glycolate. Ngoài ra, peel bằng GA sẽ làm tăng tính nhạy cảm của da với tia cực tím (UV) (Fabbrocini. 2012; Fischer. 2010).

8. Cơ chế hoạt động

GA đánh vào lớp sừng, gây tổn thương và giảm kết dính tế bào để gây bong da (Fartasch. 1997). Peel GA nông cũng làm tăng hoạt tính của enzyme thượng bì gây phân giải và bong tróc thượng bì (Fischer. 2010). Thượng bì trở nên mỏng hơn, các tế bào tăng sinh giúp tái sinh và tái cấu trúc thượng bì giúp cải thiện kết cấu và bề mặt da. Sự kích thích thượng bì cũng làm tăng tổng hợp các cytokines giúp hoạt hóa tế bào sợi sản xuất col- lagen típ I và IV và sợi elastin, giúp cải thiện tình trạng lão hóa da do ánh sáng. Peel sâu hơn sẽ giúp collagen và glycosaminoglycans tích tụ nhiều hơn (Murad. 1995).

Trong điều trị mụn, peel GA có hiệu quả trong điều trị các tổn thương không viêm và các tổn thương viêm đã vỡ nhờ vào khả năng diệt khuẩn đối với Propionibacterium acnes và hoạt tính chống oxi hóa. Ngoài ra peel bằng GA còn làm tăng khả năng thấm của các thuốc bôi trị mụn, do đó còn được dùng để bổ trợ cho điều trị mụn. Tuy nhiên, phương pháp này ít có hiệu quả đối với sẹo lõm hay lồi (At- zori.1999). Bằng cách ly giải thượng bì, phân tán melanin lớp đáy và hyal- uronic acid lớp bì, thượng bì, phương pháp này còn giúp sữa chữa những thay đổi sừng hóa trong các trường hợp trên, ngoài khả năng làm tăng sự biểu hiện gen collagen thông qua tăng tiết IL-6 (Bernstein. 2001).

Cần phải nhớ rằng việc peel nhiều lần và thường xuyên là cần thiết để có được kết quả khả quan nhất, trung bình 15 ngày làm một lần trong khoảng 4-6 tháng cho đến khi đạt được kết quả mong đợi.

9. Đánh giá tiền peel

Cần thăm hỏi kĩ bệnh nhân về mức độ phơi nắng, lịch sử nhiễm herpes simplex, có tiền sử điều trị isotretinoin trong vòng 6 tháng qua hay không (đối với peel GA trung bình), và da có xu hướng tăng sắc tố sau viêm không. Bệnh nhân có kiểu đa tối màu thường có xu hướng tăng sắc tố sau viêm. Ngoài ra, cần phải xác nhận lại với bệnh nhân toàn bộ tiền sử bệnh và những thuốc họ đang điều trị.

Trong tất cả các trường hợp peel, phải lấy phiếu đồng ý thực hiện thủ thuật, chụp ảnh trước và sau thủ thuật với máy ảnh chất lượng cao.

Cần phải viết ra những thông tin về loại peel mà bệnh nhân được làm, hiệu quả có thể đạt được và cách chăm sóc sau peel.

Bác sĩ cũng nên giải thích cho bệnh nhân vì sao cần phải peel nhiều lần để đạt được kết quả như mong đợi đồng thời phải đánh giá được kỳ vọng và cảm xúc của họ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được thông tin về thời gian hồi phục, tầm quan trọng của liệu pháp duy trì sau peel, những biến chứng và tác dụng phụ có thể xảy ra (Khunger 2008).

10. Dụng cụ

  • Găng tay
  • Mũ trùm đầu dùng một lần
  • Cồn để làm sạch da
  • Acetone để tẩy nhờn da
  • Tăm bông, hoặc miếng gạc
  • Đồng hồ
  • Dung dịch trung hòa

11. Thực hành peel

Trong thực hành peel cần tuân theo những bước sau: chuẩn bị da, rửa mặt, bôi chất lột da, và trung hòa.

12. Chuẩn bị da

Bệnh nhân bắt buộc phải duy trì chế độ chăm sóc da nghiêm ngặt ngay trước và sau thủ thuật nhằm thu được hiệu quả tối đa. Bác sĩ nên cung cấp sự hướng dẫn, nguồn gốc và ví dụ cụ thể để giúp hình thành chế độ chăm sóc da này.

Bệnh nhân nên được điều trị với các sản phẩm retinoic acid, AHAs, hay làm trắng 2-4 tuần trước khi peel và ngưng 3-5 ngày trước khi tiến hành thủ thuật. Do đó, bệnh nhân có thể thực hiện ở nhà bằng cách bôi các chất lột da nhẹ như tretinoin 0.025%, adapalene 0.1%, glycolic acid 6-12%, kojic acid, hoặc azelaic acid (Khunger 2008).

Việc sử dụng tretinoin trước peel hóa chất làm tăng hiệu quả của thủ thuật này. Bằng cách làm mỏng lớp sừng, sử dụng tretinoin trước đó sẽ làm tăng độ sâu khi peel. Tretinoin cũng giúp làm giảm thời gian hồi phục sau khi làm láng bề mặt da.

Dùng hydroquinone (2-4%) có hữu ích đối với bệnh nhân có phân loại da típ III trở lên vì nó ức chế en- zyme tyrosine và giảm sản xuất mel- anin thượng bì trong thời gian trước phẫu thuật và thời gian lành vết thương. Nên dùng chất này, thậm chí khi không có tiền sử bất thường về sắc tố (Monheit và Chastain 2012).

Sự lựa chọn sản phẩm để điều trị tiền peel phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi bệnh nhân và nguy cơ biến chứng của các sản phẩm đó. Sản phẩm được sử dụng để điều trị trước đó có thể tiếp tục được sử dụng duy trì sau đó.

13. Quy trình rửa sạch da

Rửa sạch da trước khi peel hóa chất là cực kì quan trọng để hóa chất peel có thể thấm đồng điều và do đó có thể đạt được kết quả đồng nhất. Đầu tiên, phải yêu cầu bệnh nhân rửa mặt với xà phòng và nước. Sau đó, bề mặt da phải được làm sạch nhẹ nhàng để loại bỏ những dấu vết còn lại của đồ trang điểm hoặc dầu. Isopropylic alco- hol được sử dụng để làm sạch da và acetone để dùng để tẩy nhờn da.

14. Bôi chất lột da

Bệnh nhân cần phải ngồi ở tư thế thỏa mái, mang mủ trùm đầu và luôn nhắm mắt trong suốt quá trình làm thủ thuật. Acid có thể được bôi bằng miếng gạc, cọ hình quạt, ngón tay mang găng, hoặc tăm bông, tùy thuộc vào dạng pha chế (dung dịch hay gel). Nhìn chung, dạng gel có thời gian thấm lâu hơn và dễ kiểm soát hơn (Fabbrocini. 2009).

Đầu tiên, tốt hơn nên bắt đầu bôi glycolic acid ở vùng tráng và sau đó là những vùng còn lại của mặt vì vùng trán ít nhạy cảm hơn và có thể chịu được thời gian tiếp xúc lâu hơn với acid so với những vùng khác trên khuôn mặt. Những vùng da rất nhạy cảm như góc mũi và môi nên được bảo vệ bằng Vaseline. Cách bôi khi peel cần thiết phải được đào tạo vì toàn bộ da cần tiếp xúc với acid trong khoảng thời gian giống nhau và nguy cơ acid xâm nhập quá sâu vào da nêu người làm chưa quen với thủ thuật này là rất cao (Ditre. 2006). Độ sâu của chất lột da khi thấm vào có thể quan sát và kiểm soát thông qua sự thay đổi màu sắc của da.

  • Đỏ da đồng nhất, lan rộng cho thấy acid thấm vào lớp thượng bì.
  • Hình thành lớp frost trắng biểu thị sự hoại tử đông của lớp bì nhú.
  • Hình thành lớp frost trắng xám biểu thị sự hoại tử đông ở lớp bì lưới.
  • Không có điểm cuối lâm sàng cụ thể đối với peel mà điểm cuối lâm sàng được quyết định dựa trên độ sâu của các vấn đề ở Thông thường, đỏ da đồng nhất có thể thấy sau 3-5 phút, thời điểm này nên tiến hành trung hòa acid. Nếu thấy xuất hiện frost ở bất kì vùng nào trước thời gian cài đặt sẵn, hay điểm cuối lâm sàng thì, nên tiến hành trung hòa vùng đó ngay. Điều này đặc biệt quan trọng đối với vùng có lớp sừng mỏng như rảnh cánh mũi, rãnh mũi má, nơi mà acid được hấp thụ nhanh hơn so với những vùng khác và có thể cần trung hòa trước những vùng mặt khác (Sharad 2013).

15. Trung hòa

Peel bằng GA cần phải được trung hòa để ngưng tác dụng của nó. Chất trung hòa trong peel bằng AHA là các dung dịch base như muối am- monium, sodium bicarbonate, sodium hydroxide, hoặc nước. Trong đó được sử dụng nhiều nhất là dung dịch so- dium bicarbonate 10-15%, quá trình trung hòa bằng sodium bicarbonate sinh ra CO2 do đó bọt khí sẽ xuất hiện trên bề mặt da, đây là dấu hiệu đảm bảo để bác sĩ biết rằng họ đã trung hòa acid (Rubin1992). Sau đó bệnh nhân nên rửa mặt với thể tích nước lạnh lớn.

Thất bại trong việc trung hòa ở thời điểm thích hợp sẽ dẫn đến vết thương ở lớp bì và tạo sẹo. Do đó, chất trung hòa nên để ngay bên cạnh trong quá trình làm thủ thuật.

Độ mạnh của peel bằng GA được quyết định bởi nồng độ dung dịch và thời gian tiếp xúc; do đó, thời điểm trung hòa có thể xác định được. Ví dụ, với dung dịch GA 30-50% thì bôi trong vòng 1-2 phút (peel rất nông), GA 50- 70% thì bôi trong vòng 2-5 phút (peel nông). Đối với peel trung bình thì dùng GA 70%, bôi từ 3-15 phút (Fabbrocini. 2009).

Điều cần thiết cần phải nhắc lại là quan trọng hơn cả việc theo dõi sát sao thời gian peel là việc quan sát bệnh nhân một cách cẩn thận, quan sát những phản ứng trên da bệnh nhân và tìm kiếm vùng bị frost để trung hòa trước những vùng này. Đặc biệt đối với peel bằng GA, acid thấm vào da không đều là chuyện thường gặp, do đó người làm thủ thuật cần phải hết sức lưu ý đến đều này trong quá trình làm. Tương tự, vùng da mà acid thấm càng sâu thì bệnh nhân sẽ càng cảm thấy đau. Đa số bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như châm chích, ngứa, hay tê; những triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi khi acid được trung hòa.

16. Chăm sóc sau peel

Mục đích của chăm sóc sau peel là để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng và đảm bảo sự hồi phục ngay của da. Bệnh nhân cần được yêu cầu ngưng sử dụng những sản phẩm chăm sóc da bình thường của họ trong vài ngày đến khi da hoàn toàn hồi phục, và chỉ bôi những sản phẩm được bác sĩ kê đơn.

Có thể bôi kem corticoid nhẹ trong 2-3 ngày nếu có tình trạng viêm để giải quyết vấn đề này. Mặc dù nhiễm trùng rất hiếm khi xảy ra, nên bôi kem mỡ trong trường hợp có mài để đảm bảo không phát triển thành nhiễm trùng. Đối với những người da nhạy cảm cao thì chỉ cần dùng dưỡng ẩm là đủ.

Trong thời gian đầu sau thủ thuật nên tạm hoãn chăm sóc da hàng ngày, và những sản phẩm dùng để duy trì (AHA, retinoic acid, kem làm trắng da, dưỡng ẩm) nên bắt đầu càng sớm càng tốt khi bề mặt và cảm giác của da trở về bình thường.

Bệnh nhân nên được tư vấn về việc tránh phơi nắng trong ít nhất 6 tuần sau peel và sử dụng chống nắng phổ rộng vì da mới rất mềm yếu và dễ bị tổn thương.

17. Biến chứng

GA là một chất lột da được chấp nhận rộng rãi và nó tương đối an toàn, tuy nhiên tác dụng phụ và biến chứng vẫn có thể xảy ra. Những biến chứng của peel hóa chất có thể dự phòng bằng cách lựa chọn bệnh nhân phù hợp, tư vấn bệnh nhân, chăm sóc tiền peel đầy đủ, và chăm sóc tốt trong và sau peel. Tuân thủ quy trình chăm sóc sau peel là cần thiết để đảm bảo thành công và để tránh biến chứng khi peel.

Biến chứng sớm là những phản ứng không mong muốn như đỏ da, lột da và cảm giác bị kéo da mặt trong vài phút đến vài giờ sau peel. Những phản ứng này có thể xảy ra và tùy thuộc vào độ sau của peel.

Biến chứng muộn thường xảy ra sau vài ngày đến vài tuần, gồm có: sẹo, nhiễm trùng, tăng sắc tố sau viêm, đỏ da kéo dài, và nhiễm herpes.

Herpes môi: khuyến cáo sử dụng liệu pháp kháng virus đối với những trường hợp peel trung bình bằng GA dù bệnh nhân có hay không có tiền sử nhiễm herpes simplex trước đó. Nên sử dụng kháng virus 2 ngày trước thủ thuật và tiếp tục trong 7-10 ngày cho đến khi biểu mô hoàn toàn hồi phục. Phác đồ khuyến cáo điều trị, acyclovir 400mg dùng 3 lần mỗi ngày; valacyclovir 500mg dùng 2 lần mỗi ngày; hoặc famciclovir 250mg dùng 2 lần mỗi ngày. Đối với bệnh nhân peel nông bằng GA thì không cần phải điều trị dự phòng nhiễm herpes, bởi vì không đủ gây ra tổn thương để tái hoạt virus. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc dự phòng herpes nếu bệnh nhân có tiền sử nhiễm herpes lặp lại.

Đỏ da kéo dài: trong một vài trường hợp, đỏ da có thể tồn tại nhiều tuần sau peel ở các mức độ khác nhau. Những hoạt động thường ngày như tập thể dục có thể làm tăng dòng máu đến vùng này và làm nặng thêm tình trạng đỏ da đó. Có thể dùng kem corti- coid nhẹ để làm dịu triệu chứng song song với sử dụng chống nắng (Tung and Rubin 2010).

Tăng sắc tố sau viêm: đây thường không phải là vẫn đề của peel nông và rất nông bằng GA nhưng là vấn đề quan trọng đối với bệnh nhân có phân loại da Firtzpatrick típ III hoặc cao hơn và đối với tất cả bệnh nhân được peel trung bình. Sử dụng hydro- quinone (2-4%) có thể giúp giảm nguy cơ ở những bệnh nhân có xu hướng bị tăng sắc tố sau viêm vì chất này ức chế enzyme tyrosinase. Để tăng lợi ích, bệnh nhân nên sử dụng trong giai đoạn trước và sau thủ thuật (Monheit và Chastain 2012).

Nhiễn trùng: đây là biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra khi peel trung bình bằng GA do bị mất hàng rào bảo vệ da và tổn thương mô sau đó do chăm sóc vết thương không đúng cách. Chậm lành vết thương và đỏ da kéo dài là những dấu hiệu sớm của nhiễm trùng. Trong trường hợp nhiễm virus, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm, cần nuôi cấy vùng tổn thương và điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm ngay để hạn chế tạo sẹo.

Tạo sẹo: tạo sẹo là biến chứng rất hiếm, tuy nhiên peel bằng Ga có thể gây tổn thương lớp bì khi áp dụng kĩ thuật bôi không đúng hoặc sử dụng dung dịch nồng độ quá cao. Để tránh những biến chứng này, người làm thủ thuật cần phải luôn theo dõi da bệnh nhân trong quá trình làm và trung hòa acid nhanh khi có dấu hiệu frost trên da, đây là dấu hiệu tổn thương lớp bì.

18. LIỆU PHÁP PHỐI HỢP

Nguyên tắc kết hợp peel là sử dụng phối hợp 2 loại hóa chất để đạt độ sâu peel giống với khi dùng đơn lẻ một hóa chất peel nhằm tăng độ an toàn và nguy cơ để lại sẹo. Cách này sẽ giúp làm tăng khả năng xâm nhập của cả hai chất và làm giảm độc tính so với khi peel chỉ một loại hóa chất để đạt độ sâu đó.

18.1. Peel bằng GA và TCA

Dr. Coleman là người khởi sướng sử dụng phối hợp GA và trichlo- roacetic acid (TCA). Vì GA giúp loại bỏ lớp sừng thượng bì, nó giúp TCA thấm đồng điều hơn để đạt độ peel trung bình (Coleman và Futrell. 1994). Dựa vào cơ sở đó, dùng phối hợp gel gly- colic acid 70% (ưu thế hơn dung dịch) với TCA 35% để điều trị những vùng da ngoài mặt như đốm nâu, dày sừng ánh sáng ở cổ, và da ở vùng đầu hói, cánh tay, bàn tay (Tung and Rubin 2010).

Thực hành peel: sau khi tẩy nhờn, bôi một lớp GA 70% và trung hòa trong 2 phút, sau đó bôi TCA 35%. Cách này sẽ giúp peel đạt được độ sâu hơn so với chỉ dùng TCA một mình. Peel bằng GA và TCA được thực hiện như là một thủ thuật đơn để loại bỏ tình trạng nếp nhăn nhẹ, dày sừng ánh sáng, hoặc rối loạn sắc tố. Thủ thuật này có thể được lặp lại mỗi 6 tháng hoặc 1 năm tùy thuộc vào tình trạng tổn thương ánh sáng trên da (Fabbro- cini. 2012; Kadunc. 2012).

18.2. Peel bằng dung dịch Jessner và GA

Sự phối hợp giữa dung dịch Jessner và GA (Monheit peel) cho kết quả peel đồng nhất hơn, vì dung dịch Jessner có tác dụng tiêu sừng, cho phép GA thấm vào da một cách đồng đều (Monheit 1989). Tuy nhiên, nếu sử dụng dung dịch Jessner sau khi peel bằng GA có thể làm tăng nguy cơ để lại sẹo vì điểm cuối lâm sàng của peel bằng GA khó quan sát nhất là ở bệnh nhân có da ngăm. Peel phối hợp này có thể dùng để điều trị dày sừng ánh sáng, nếp nhăn và tổn thương da ánh sáng.

Thực hành peel: sau khi rửa sạch mặt và tẩy nhờn, bôi 2 hoặc 3 lớp dung dịch Jessner lên da bằng gạc cho đến khi thấy đỏ da nhẹ. Sau đó bôi GA 70%, GA sẽ thấm nhanh và sâu hơn so với khi bôi một mình.

19. Ghi nhớ

  • Peel thành công phụ thuộc chính vào hiểu biết của người bác sĩ về tính chất hóa học và sinh học của quá trình peel, nguyên tắc an toàn và hiệu quả, cũng như chỉ định và tác dụng phụ của hóa chất
  • Peel bằng GA luôn cần phải được trung hòa, và hóa chất trung hòa phải được để ngay bên cạnh khi
  • Peel bằng GA có thể gây tổn thương lớp bị và tăng sắc tố sau viêm.
  • Peel bằng GA cần lặp lại một vài lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Hiệu quả trên mỗi bệnh nhân là rất khác
  • Lựa chọn bệnh nhân tối ưu cho peel bằng GA là những người có tổn thương da và rối loạn sắc tố ở mức độ trung bình, sẵn sàng thực hiện nhiều liều trình peel và không chịu được khoảng thời gian hồi phục.

20. ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PEEL DA BẰNG GA

 

Ưu điểm Nhược điểm
Đỏ da rất nhẹ Cảm giác nóng và đỏ da trong khi bôi
Lột da nhẹ Khó peel đồng đều
Giai đoạn sau thủ thuật ngắn Bắt buộc phải trung hòa
Có lợi đối với tổn thương da do ánh sáng Loét hoại tử nếu thời gian bôi quá lâu và/hoặc PH da bị giảm

 

21. Tài liệu tham khảo

  1. Atzori L, Brundu MA, Orru A, Biggio Glycolic acid peeling in the treat- ment of acne. J Eur Acad Dermatol Ve- nereol. 1999;12:119–22.
  2. Bernstein EF, Lee J, Brown DB, Yu R, Van Scott Glycolic acid treatment increases type I collagen mRNA and hyaluronic acid content of human skin. Dermatol Surg. 2001;27(5):429–33.
  3. Coleman III WP, Futrell JM. The gly- colic acid tri- chloroacetic acid peel. J Dermatol Surg 1994;20(1):76– 80.
  4. Ditre CM. Alpha hydroxy acid peels. In: Rubin MG, Tung R, editors. Proce- dures in cosmetic dermatology series; chemical St Louis: Elsevier; 2006. p. 27–35.
  5. Fabbrocini G, De Padova MP, Tos- ti A. Chemical peels: what’s new and what isn’t new but still works well. Facial Plast 2009;25(5):329–36. doi:10.1055/s- 0029-1243082. Epub 2009 Dec 18.
  6. Fabbrocini G, Padova MP, Tosti A. Gly- colic acid. In: Tosti A, Grimes PE, Pa- dova MP, editors. Color atlas of chem- ical peels. London: Springer; 2012. p. 9–16.
  7. Fartasch M, Teal J, Menon GK. Mode of action of glycolic acid on human stratum corneum: ultrastructural and functional evaluation of the epi- dermal Arch Dermatol Res. 1997;289:404–9.
  8. Fischer TC, Perosino E, Poli F, Viera MS, Dreno B.Cosmetic Dermatology European Expert Group Chemical Peels in aes- thetic dermatology: an update. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2010;24:281–92.
  9. Jackson Chemical peels. Facial Plas Surg. 2014; 30(1):26–31.
  10. Kadunc Peelings químicos: médios e combinados. In: Kadunc B, Palermo E, Addor F, editors. Tratado de cirurgia dermatológica, cosmiatria e laser: da sociedade brasileira de dermatologia. Rio de Janeiro: Elsevi- er; 2012. p. 311–8.
  11. Kede MPV, Guedes Peelings químicos: superficiais. In: Kadunc B, Palermo E, Addor F, editors. Tratado de cirurgia dermatológica, cosmiatria e laser: da sociedade brasileira de dermatologia. Rio de Janeiro: Elsevi- er; 2012. p. 311–8.
  12. Khunger N. Standard guidelines of care for chemical peels. Indian J Der- matol Venereol Leprol. 2008;74(Sup- pl S1):5–12.
  13. Kim SW, Moon SE, Kim JA, Eun Glycolic acid versus Jessner’s solu- tion: which is better for facial acne patients? A randomized prospective clinical trial of split-face model thera- py. Dermatol Surg. 1999;25(4):270–3.
  14. Landau M. Chemical peels. Clin Der- 2007;26:200–8. l therapy. Der- matol Surg 25(4): 270.
  15. Monheit GD. The Jessner’s? TCA peel: a medium-depth chemical peel. J Der- matol Surg 1989;15:945–50.
  16. Monheit GD, Chastain MA. Chemical and mechanical skin resurfacing. In: Bolognia JL, Jorizzo JL, Schaffer JV, ed- Dermatology, 3rd ed. Philadel- phia: Elsevier Mosby; 2012. p. 2496–8.
  17. Monheit GD, Kayal Chemical peel- ing. In: Nouri K, Leal-Khouri S, editors. Techniques in dermatologic surgery. St Louis: Elsevier; 2003. p. 233–44.
  18. Murad H, Shamban AT, Premo The use of glycolic acid as a peeling agent. Dermatol Clin. 1995;13:285–307.
  19. Rubin Manual of chemical peels. Philadelphia: JB Lippincott; 1992. p. 14.
  20. Sharad J. Glycolic acid peel – a cur- rent Clin Cosmet Investig Der- matol. 2013;6:281–8.
  21. Tung R, Rubin Procedures in cosmetic dermatology series: chemi- cal peels. 2nd ed. Philadelphia: Saun- ders; 2010.
  22. Denise Steiner Residency in Derma- tology at Hos- pital das clínicas- Uni- versity of São Paulo, Doctorated in Dermatology at UNICAMP, presi- dent of the Brazilian Society of Dermatolo- gy 2013–2014
  23. Mirella Pascini Residency in Internal Medicine and Dermatology at Irman- dade Santa Casa de Misericórdia de São Paulo, member of the Brazil- ian Society of Dermatology

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *