Bệnh nấm móng: Nguyên nhân, Triệu chứng, Biện pháp điều trị

Nấm móng là bệnh lý về móng xảy ra do nấm kí sinh ở móng gây nhiễm trùng. Trong số các bệnh về móng, nấm móng là bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 50%. Đối tượng thường mắc bệnh là người đã trưởng thành, do đó nấm móng tuy không tác động đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người bệnh, gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày.

Nguyên nhân gây bệnh nấm móng

Tác nhân gây bệnh nấm móng là các loại vi nấm, các loại vi nấm chủ yếu gây bệnh nấm móng ở người:

  • Nấm sợi tơ Dermatophytes (Microsporum, Trichophyton, Epidermophyton): Trong đó, Trichophyton rubrum là loại nấm sợi tơ phổ biến nhất gây bệnh nấm móng.
  • Nấm hạt men (Candida): Loài Candida chủ yếu gây ra bệnh nấm móng tay hơn là nấm móng chân.
  • Nấm mốc non – dermatophytic: Thường gây bệnh nấm móng cho các đối tượng từ 60 tuổi trở lên.
Nguyên nhân gây bệnh nấm móng
Nguyên nhân gây bệnh nấm móng

Điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loại vi khuẩn-vi nấm là sự ẩm ướt,  chúng xâm nhập bắt đầu từ các bờ bên của móng rồi đi vào sâu bên trong, kí sinh và gây bệnh.

Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị nấm móng

Làm việc trong môi trường điều kiện vệ sinh không đảm bảo, ẩm ướt, thường xuyên phải tiếp xúc, ngâm tay hoặc chân trong nước, có thể kể đến như: Đầu bếp, thợ giặt ủi áo quần, thợ rửa xe, thợ lặn, các công việc liên quan đến nuôi trồng, chăn nuôi.

Người thường xuyên ra mồ hôi tay do các nguyên nhân sau:

  • Thường xuyên sử dụng bao tay hoặc tất chân thời gian dài, chất liệu không thấm hút mồ hôi.
  • Mắc các bệnh liên quan đến hạch.
  • Do ảnh hưởng của tâm lý.
  • Phần da xung quanh móng hoặc móng có các vết thương nhỏ do trầy xước, nứt nẻ hoặc chấn thương.
  • Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch làm máu lưu thông giảm, loạn dưỡng móng trước đó (vảy nến) hay bệnh nhân mà hệ thống miễn dịch của bọ bị suy yếu (mắc các bệnh liên quan đến máu hay nhiễm vi rút HIV/AIDS) là các đối tượng có khả năng cao mắc bệnh nấm móng.
  • Tỷ lệ mắc bệnh nấm móng ở nam giới cao hơn ở nữ giới.
  • Trường hợp có tiếp xúc với người bệnh nhiễm nấm da hoặc nấm móng trong gia đình hoặc cộng đồng.
  • Người cao tuổi.

Triệu chứng của bệnh nấm móng

Các triệu chứng phổ biến của bệnh nấm móng có thể kể đến như:

  • Phổ biến nhất là móng trở nên dày, có thể thay đổi hình dạng và màu sắc: trắng, đen, vàng hoặc xanh lá cây.
  • Móng trở nên giòn, dễ gãy và dễ bong tróc khỏi da.
  • Phần da xung quanh móng có thể sưng và gây đau, thậm chí chảy mủ.
  • Có thể xuất hiện mảng trắng hoặc vàng trên móng tay.
  • Vi khuẩn, nấm và các chất bẩn tích tụ dưới móng gây ra mùi hôi thối.
  • Móng bị tách hẳn khỏi ngón tay hoặc chân, hiếm khi gây đau trừ trường hợp bệnh tiến triển đến mức độ nặng.
Triệu chứng của bệnh nấm móng
Triệu chứng của bệnh nấm móng
  • Hiếm có trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm móng ở cả mười ngón tay hoặc chân.
  • Trường hợp nhiễm móng do là Dermatophytes: tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bờ tự do của móng, trên bề mặt thường có các đốm trắng, phần da quanh móng không bị ảnh hưởng, không gây viêm. Tỉ lệ nấm móng ở chân nhiều hơn nấm móng ở tay. Bệnh có xu hướng dễ lây lan.
  • Trường hợp nhiễm móng do nấm Candida: Tổn thương bắt đầu từ gốc móng, xuất hiện các đường rãnh ngắn, song song với nhau, màu nâu ở bản móng, phần da quanh móng cũng bị ảnh hưởng, sưng đỏ, đau và chảy mủ.
  • Bệnh có khả năng lây lan, lây từ ngón này sang ngón khác trên hay có thể lan sang bàn tay, bàn chân bên kia. Bệnh có thể kéo dài nhiều năm, gây ra nhiều biến chứng nếu gặp điều kiện môi trường thuận lợi và không được chăm sóc đúng cách.

Chẩn đoán bệnh nấm móng

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nấm móng dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân. Thực hiện thêm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định chính xác liệu bệnh nhân có thật sự bị nấm móng hay không và tác nhân gây bệnh đó là gì.Bốn xét nghiệm chính là:

  • Phết tế bào kali hydroxit (KOH) sau đó soi trực tiếp hoặc soi dưới kính hiển vi.
  • Nuôi cấy: môi trường nuôi cấy Sabouraud có chloramphenicol.
  • Kiểm tra mô học
  • Phản ứng chuỗi polymerase.

Điều trị bệnh nấm móng

Bệnh nhân thường bỏ qua giai đoạn đầu của bệnh nấm móng, bởi vì nhiều trường hợp không nhận thấy các triệu chứng hoặc có nhưng ở mức độ nhẹ và không gây biến chứng.

Ở các giai đoạn sau, mất rất nhiều thời gian mới thấy được hiệu quả điều trị, thời gian có thể kéo dài từ vài tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn.

Điều trị tại chỗ

Áp dụng đối với các trường hợp mắc bệnh nấm móng ở mức độ nhẹ, vi nấm mới xâm nhập ở bờ bên của móng, thương tổn chỉ từ 1-2 ngón tay hoặc chân, phần da xung quanh viêm nhẹ. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc sơn móng chống nấm hoặc kem bôi, thoa trực tiếp vào phần móng bị nấm cho đến khi khỏi hẳn.

  • Dung dịch màu Castellani, salicylic acid 5%, dung dịch Ciclopiroxolamin 8%, Amorolfine 5%.
  • Kem chứa 1 trong các thành phần sau: Ketoconazole, Clotrimazole, Fluconazole, Itraconazole hoặc Terbinafine.

Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu hơn nên rửa và cạo sạch vị trí móng bị tổn thương trước khi bôi thuốc. Bôi đều đặn mỗi ngày từ 1-3 lần.

Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống

Áp dụng đối với các trường hợp mắc bệnh nấm móng ở mức độ trung bình đến nặng, khi có từ 3 ngón tay hoặc chân bị nhiễm nấm trở lên hoặc nấm móng đã bắt đầu lây lan.

Lựa chọn thuốc kháng nấm đường uống có tác dụng toàn thân nên được cân nhắc dựa trên các yếu tố:

  • Phổ tác dụng của thuốc (Mỗi loại thuốc chỉ kháng được một vài loại nấm nhất định)
  • Thời gian tồn tại của thuốc trong cơ thể bệnh nhân.
  • Đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc.
  • Tác dụng phụ của thuốc.
Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống
Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống

Các loại thuốc có thể dùng bằng đường uống bao gồm terbinafine (hiệu quả khoảng 76%), itraconazole (hiệu quả khoảng 60% ) và fluconazole (hiệu quả khoảng 48% ) hay griseofulvin.

  • Griseofulvin chỉ kháng được nấm sợi tơ Dermatophytes.
  • Clotrimazole, Fluconazole, Itraconazole hay Terbinafine kháng được 2 loại nấm là nấm Dermatophytes và nấm Candida.

Thuốc kháng nấm gây nhiều tác dụng phụ, nguy hiểm nhất là gây độc tế bào gan vì thế không nên dùng rượu, bia và những thức uống chứa chất kích thích khác trong thời gian điều trị. Kiểm tra chức năng gan định kỳ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bệnh nhân.

Các thuốc kháng nấm có thời gian tồn tại lâu trong cơ thể, ngay cả khi ngừng điều trị một thời gian, thì thuốc vẫn còn phát huy tác dụng vì thế không cần phải sử dụng cho đến khi khỏi hẳn. Kéo dài có thể tăng nguy cơ gây gộc gan.

Thuốc được chống chỉ định cho các đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh lý về gan hoặc suy tim sung huyết.

Nên kết hợp các loại thuốc kháng nấm đường uống và thuốc bôi tác dụng tại chỗ để tăng hiệu quả điều trị. Có thể chỉ định thêm các loại thuốc kháng histamin, kháng viêm hay kháng sinh giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Điều trị hỗ trợ

  • Chiếu tia laser: Sử dụng ánh sáng cường độ cao để ngăn chặn sự phát triển của nấm. Tuy nhiên phương pháp này không được áp dụng rộng rãi và hiệu quả điều trị cũng không cao.
  • Phẫu thuật loại bỏ móng: Hiệu quả cao đối với các trường hợp bệnh ở mức độ nghiêm trọng hoặc bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc bôi điều trị tại chỗ hay thuốc uống tác dụng toàn thân.

Nấm móng có thể tái phát hay không?

Ngay cả khi đã điều trị nấm móng thành công, thì tỉ lệ bệnh nhân bị tái phát nấm móng vẫn khá cao, khoảng 10-50 %, đặc biệt ở các trường hợp bệnh nhân cao tuổi (trên 65), mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tim sung huyết hay các bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu (mắc các bệnh liên quan đến máu, HIV/AIDS).

Hệ thống miễn dịch của cơ thể người không sản sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh là nấm. Chính vì thế, tiếp xúc với người mắc bệnh nấm móng, vẫn có nguy cơ tái phát bệnh.

Làm thế nào để đề phòng bệnh tái phát?

  • Chỉ tiếp xúc với nước khi thật sự cần thiết (vệ sinh thân thể). Hạn chế ngâm chân, tay với nước thời gian dài, nếu cần nên đeo găng tay cao su hoặc các vật liệu chống thấm nước.
  • Tránh đi chân trần ở những nơi công cộng, ví dụ như bể bơi, nhà tắm và phòng thay đồ. Giữ bàn tay và chân luôn sạch sẽ, khô ráo.
  • Không dùng khăn, bao tay, tất, giày với người khác. Thay tất, vớ mỗi ngày. Không nên mang bao tay, giày, tất thời gian dài. Nên chọn những đôi tất làm từ cotton hoặc các chất liệu khác hút ẩm tốt. Vứt bỏ giày cũ sau một thời gian sử dụng, có thể sử dụng bột chống nấm.
Cách đề phòng bệnh nấm móng tái phát
Cách đề phòng bệnh nấm móng tái phát
  • Móng tay, chân không nên để quá dài, phải thường xuyên cắt tỉa móng tay, móng chân.  Không nên dùng chung các dụng cụ cắt, tỉa. Hạn chế cắt, tỉa, sơn hay ngâm móng chân ở tiệm. Các hóa chất làm sạch móng, chất làm mềm da, hóa chất màu có thể làm móng và phần da quanh móng bị kích ứng, gây viêm, móng ngày càng mỏng và vàng dần, mất đi độ bóng, có thể gây loạn dưỡng móng. Nếu có thể nên mang đồ làm móng của mình ra tiệm để thợ làm móng giúp đỡ, nên để móng có thời gian nghỉ trước khi sơn hay làm móng giả mới.
  • Tránh tiếp xúc nhiều với các loại xà phòng, hóa chất, nước rửa chén, chanh.
  • Điều trị triệt để các vết thương hở, vết trầy xước nếu có trên bàn tay hoặc chân, băng bó kỹ càng để nấm không có điều kiện xâm nhập.
  • Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn để nâng cao hệ thống  miễn dịch, tránh các tác động bất lợi từ môi trường.
  • Nếu nhận thấy các triệu chứng của nấm móng, nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm. Thời gian tối thiểu để thay mới trọn vẹn một móng là 6 tháng vì thế cần kiên trì điều trị, nên tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ đưa ra. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bôi hay thuốc uống khác.
  • Đối với các trường hợp bệnh cứ kéo dài dai dẳng, điều trị nhiều lần vẫn không đạt được hiệu quả mong muốn, tái đi tái lại, người bệnh nên cân nhắc thay đổi công việc khác nếu điều kiện cho phép.

Xem thêm:

Bệnh lang ben là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, có lây không?

Rubella là bệnh gì, có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa

Ngày viết:

2 thoughts on “Bệnh nấm móng: Nguyên nhân, Triệu chứng, Biện pháp điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *