Mụn bọc: Đặc điểm, Cơ chế, Nguyên nhân hình thành, Cách điều trị

Mụn bọc gây tổn thương cấu trúc da và nguy cơ để lại sẹo và các vết thâm nếu không được điều trị đúng cách bởi các bác sĩ da liễu. Hãy cùng tapchidalieu tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách trị mụn mục trong bài viết này nhé.

1, Mụn bọc là gì?

1.1. Khái niệm

Mụn bọc hay còn gọi là nodulocystic acne là một dạng nặng của mụn trứng cá với kích thước lớn hơn 5mm đường kính, đỏ, đau, gồ lên so với bề mặt da dạng nốt hoặc sẩn. Nó biểu hiện ở da bởi các nốt mụn lớn, viêm đỏ, sưng đau và có thể ứ mủ trắng bên trong. So với mụn trứng cá thông thường mụn trứng cá gây tổn thương da nghiêm trọng hơn, nó gây tổn thương vào cấu trúc màng đáy của da nên có thể để lại sẹo và vết thâm.

1.2. Cơ chế

  • Tắc nghẽn các lỗ chân lông: tất cả các tổn thương do mụn trứng cá bắt đầu từ các nang lông trên da, gắn liền với các lỗ chân lông là các tuyến bã. Thông thường bã được tự do thoát ra khỏi lỗ chân lông và lên bề mặt da. Mụn bắt đầu phát triển khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi các tế bào da và sự tắc nghẽn này dẫn đến bã nhờn tích tụ bên trong vùng lỗ chân lông.
  • Phản ứng viêm miễn dịch: Khi số lượng vi khuẩn tăng lên bên trong lỗ chân lông thì cơ thể sẽ xem như một bệnh nhiễm trùng và phản ứng lại bằng cách gửi các tế bào viêm hay bạch cầu trung tính vào. Bạch cầu trung tính sẽ giải phóng các enzym tấn công vi khuẩn để làm sạch lỗ chân lông bị tắc.
Cơ chế hình thành Mụn Bọc
Cơ chế hình thành Mụn Bọc

1.3. Biểu hiện

  • Xuất hiện các tổn thương viêm, đỏ, sưng, đau trên bề mặt da.
  • Không có nhân mụn.
  • Đa số có kích thước lớn.
  • Chủ yếu xuất hiện ở vùng mặt, cằm, ngực, lưng.
  • Trong trường hợp mụn bọc bị chai sẽ biểu hiện thâm sạm, sờ thấy nhân cứng dẫn đến hình thành sẹo trên da.

2, Phân biệt giữa mụn bọc và mụn trứng cá dạng nang như thế nào?

Mụn bọc và mụn nang cả hai tổn thương mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá có thể trông giống nhau trên bề mặt da nhưng lại là các tổn thương riêng biệt.

2.1. Về mụn bọc

Tổn thương dạng nốt phổ biến hơn so với nang. Chúng xuất hiện dưới dạng những tổn thương lớn, đỏ, đau, đường kính trên 5mm. Chúng không chứa mủ thay vào đó là những khối dạng sợi rắn.

Nốt phát triển khi lỗ chân lông bị vỡ rộng, đặc biệt là sâu bên trong da. Chúng có xu hướng xuất hiện trên lưng, cằm, trán, ngực. Nguyên nhân là do những vùng này có lỗ chân lông với các tuyến sản xuất dầu lớn hơn. Do tổn thương rộng do lỗ chân lông bị vỡ, các nốt có thể vẫn còn trong vài tuần hoặc vài tháng khi lành.

2.2. Về mụn nang

Mụn nang có 2 loại:

  • Giả nang: Phổ biến hơn, chứa đầy mủ
  • Nang thật: Hiếm, chứa đầy chất lỏng

Nang giả

Hầu hết các mụn nang được mô tả tốt nhất là giả nặng vì trên thực tế chúng chỉ đơn giản là những nốt chứa đầy mủ như sáp, có mùi hôi. Tương tư như nốt, nang giả cũng có xu hướng xuất hiện trên lưng, cổ, trán và ngực. Các nang giả có thể cứng đầu và tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi lành.

Nang thật

Xuất hiện dưới dạng những tổn thương lớn, đỏ, đau, đường kính 7-15 mm. Không giống như nốt, nang thật chứa đầy chất lỏng có thể cảm nhận được khi nó di chuyển bên dưới da khi chạm vào. Chúng phát triển khi chỉ một khu vực nhỏ của vùng lỗ chân lông vỡ ra và thay vì giải phóng chất bên trong vào da thì cơ thể lại xây dựng một bức tường thứ cấp dày và chắc xung quanh chất thải ra ngoài. Tương tự, nang thật có xu hướng xuất hiện ở lưng, cổ, trán và ngực và giống như nang giả thì nang thật có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi lành.

So sánh Mụn Bọc Và Mụn Nang
So sánh Mụn Bọc Và Mụn Nang

3, Nguyên nhân gây ra mụn bọc mủ

  • Tăng sản xuất của tuyến bã: do sự tăng phát triển nhất là trong giai đoạn dậy thì sự sản xuất của tuyến bã tăng lên. Tuyến bã phát triển nhất ở vùng mặt, cổ, ngực, lưng trên và cánh tay trên.
  • Vi khuẩn xâm nhập: Nhân mụn chứa lượng lớn bã nhờn tích tụ là môi trường lý tưởng cho một chủng vi khuẩn trên da đặc biệt vi khuẩn P.acne. Đây là một vi khuẩn kỵ khí gram dương. Vi khuẩn này ăn chất nhờn bên trong lỗ chân lông và bắt đầu sinh sản nhanh chóng.
  • Nội tiết: Androgen, là nội tiết tố nam được tìm thấy có cả ở nam và ở nữ, có liên quan đến mụn trứng cả bao gồm cả mụn bọc. Nói chung, nồng độ androgen tăng lên, bao gồm cả nồng độ dehydroepiandrosterone sulfate (DHEA-S) và testosterone, dẫn đến mụn trứng cá nghiêm trọng hơn.
  • Chế độ sinh hoạt:Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng. Nhưng họ cũng đã chỉ ra rằng việc thức đêm hay ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường cũng là nguy cơ bị mụn hơn.
  • Do các loại thuốc và mỹ phẩm: Các sản phẩm mỹ phẩm có chứa vòng benzen, các sản  phẩm này gây tổn thương da làm bít tắc thêm các lỗ chân lông trên da. Làm cho tình trạng mụn tồi tệ hơn.
  • Stress: Chưa có nghiên cứu lớn về sự ảnh hưởng của tâm lý đặc biệt là stress lên tình trạng mụn trên da. Nhưng có một số nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng yếu tố tâm lý đặc biệt là stress làm tình trạng mụn trở nên xấu đi.

4, Mụn bọc không đầu có được nặn?

Đây là câu hỏi mà không ít bệnh nhân thắc mắc. Với mụn bọc, bạn không nên nặn khi nhân mụn chưa xuất hiện và đẩy lên bề mặt da. Nếu bạn cố gắng nặn chỉ làm tổn thương cả những vùng da xung quanh và làm tình trạng mụn trở nên xấu đi. Đặc biệt còn gây ra các vết sẹo và thâm vì trong giai đoạn đầu nhân mụn nằm sâu dưới lỗ chân lông. Muốn nặn mụn bọc, bạn cần xác định chính xác thời điểm chỉ các loại bọc mới không có tình trạng viêm và kích thước nhỏ bạn mới nên nặn. Đặc biệt khi thấy rõ nhân mụn đã trồi lên và khô thì mới nặn. Ngoài ra, một số trường hợp bạn không nên cố nặn mụn như mụn bọc có nhiều ổ viêm, mụn bọc nổi theo từng đám,…

Nên nặn Mụn Bọc khi nào?
Nên nặn Mụn Bọc khi nào?

5, Điều trị mụn bọc sưng đỏ

5.1. Isotretinoin đường uống trị mụn bọc ở cằm

Isotretinoin còn được gọi là axit retinoic 13-cis, isotretinoin là một loại thuốc uống giúp giảm tiết bã, giảm sừng hóa và kháng viêm. Thuốc được chấp thuận trong việc điều trị mụn trứng cá nặng. Nó tác dụng và hiệu quả nhưng đi kèm với nhiều tác dụng phụ một số tác dụng có thể kéo dài suốt đời. Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, isotretinoin có thể được chỉ định kèm corticoid dạng uống. Các bác sĩ thường chỉ định sử dụng corticoid trong vòng 2-4 tuần điều trị đầu tiên vì chúng có tác dụng nhanh hơn so với isotretinoin và giảm nhanh các triệu chứng viêm, đỏ và đau. Một vài tuần sau khi điều trị, bệnh nhân thường được bắt đầu dùng isotretinoin liều 0,5 – 1 miligam/ kg / ngày trong bốn đến sáu tháng.

Bởi vì isotretinoin gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc thai chết lưu vi thế phụ nữ mang thai không nên sử dụng sản phẩm này.

Để hấp thụ tốt nhất vào máu, isotretinoin phải được dùng cùng bữa ăn giàu chất béo (> 20g chất béo). Những bệnh nhân sử dụng isotretinoin mà không tuân thủ vấn đề này có thể thấy ban đầu tình trạng mụn trứng cá được cải thiện nhưng sau sẽ quay trở lại.

5.2. Thuốc bôi ngoài da trị mụn bọc ở má

Thuốc bôi ngoài da được chỉ định và chấp thuận trong điều trị là Retinol và Benzoyl peroxide nhưng thường được chỉ định trong các trường hợp ít nghiêm trọng. Trường hợp mụn bọc tổn thương đến lớp màng đáy cuả da thì tác dụng điều trị của phương pháp này không đạt được hiệu quả cao.

5.3. Kháng sinh đường uống

Thuốc kháng sinh bao gồm tetracycline, minocycline và doxycycline là những lựa chọn thay thế cho isotretinoin có thể làm giảm tạm thời các nốt mụn ở một số bệnh nhân. Có thể dùng tối đa 3 tháng, sau khi ngưng điều trị, các nốt có thể có khả năng quay trở lại.

Thuốc kháng sinh đường uống cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm các vấn đề về đường tiêu hóa và hiếm hoi có thể làm ố răng và/hoặc da vĩnh viễn. Hơn nữa chúng không bao giờ được điều trị kèm isotretinoin vì có nguy cơ phát triển một bệnh gọi là pseudotumor cerebri, là một bệnh lý gây tăng áp lực trong hộp sọ.

 5.4.Sử dụng thuốc tránh thai để điều chỉnh hormone

Phương pháp điều trị nội tiết, bao gồm thuốc tránh thai và spironolactone, đây là những phương pháp mà phụ nữ có thể áp dụng để làm sạch nốt mụn. Các phương pháp điều trị này hoạt động bằng cách ngăn chặn nội tiết  tố androgen (nội tiết tố nam được tìm thấy cả ở nam và nữ) hoạt động bình thường trong cơ thể. Nội tiết androgen là nguyên nhân chính góp phần vào sự phát triển của mụn trứng cá. Phương pháp điều trị nội tiết chỉ có thể sử dụng ở phụ nữ vì phương pháp có thể gây ra các triệu chứng nữ hóa, bao gồm cả sự phát triển của vú và rối loạn chức năng tình dục ở nam giới. Đặc biệt, ở nữ giới phương pháp này đạt hiệu quả đáng kể.

6, Lưu ý đối với điều trị mụn bọc khi mang thai

Các phương pháp pháp điều trị ở trên đôi khi được kết hợp điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất. Nhưng có nhiều phương pháp đã được kiểm chứng bằng nghiên cứu cũng như lâm sàng không đảm bảo an toàn trong thai kỳ. Nên phụ nữ mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị hợp lý và cần thông báo về việc mình mang thai cho bác sĩ trước khi điều trị.

7, Chăm sóc da tại nhà để hạn chế mụn bọc

Việc tự bản thân chăm sóc làn da của mình cũng là một yếu tố quan trọng để tránh tổn thương sau mụn để lại. Ngoài ra còn ngăn ngừa mụn tái phát và để làn da trở nên khỏe mạnh hơn.

7.1. Vệ sinh da thường xuyên

Các tác nhân bên ngoài môi trường sống như ánh sáng mặt trời, khói bụi hay vi khuẩn là  những nguyên nhân gây ra mụn và khiến tình trạng mụn trở nên tệ hơn. Chính vì điều này các bạn nên vệ sinh da mặt thường xuyên và đúng cách:

  • Rửa mặt 3 lần/ngày vào các buổi sáng, trưa và tối.
  • Sử dụng nước ấm giúp giãn nở các lỗ chân lông giúp việc vệ sinh da đạt hiêu quả tốt hơn.
  • Sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt có độ pH phù hợp với da (da người lớn trưởng thành thì hơi kiềm hơn so với da của trẻ em) hay và chưa các thành phần như acid salicylic,…Một số sản phẩm bạn có thể tham khảo như Cetaphil, Cerave Foaming Cleanser,…
  • Sau đó nên dùng nước lạnh để giúp co các lỗ chân lông lại và lau mặt bằng khăn bông mềm.
Chăm sóc da mụn như thế nào?
Chăm sóc da mụn như thế nào?

7.2. Không tự ý nặn mụn sưng viêm

Nặn mụn có thể làm tổn thương các vùng da lân cận tổ chức mụn và có thể gây các nhiễm trùng qua da nếu bạn không biết cách xử lý sau khi nặn. Nên các bạn không nên tự ý nặn mụn đặc biệt là trường hợp mụn bọc.

7.3. Tẩy tế bào da chết

Vệ sinh da mặt hay nói cách khác rửa mặt chỉ giúp bạn giải quyết vấn đề bụi bẩn hay các lớp đồ trang điểm của bạn nhưng không hề giúp bạn giải quyết vấn đề tế bào da chết. Đây lại là nguyên nhân gây ra bít tắc các lỗ chân lông và làm tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cũng cần một số lưu ý như:

  • Chọn sản phẩm tẩy da chết phù hợp với da của bạn.
  • Không nên tẩy da chết quá nhiều lần trong một tuần, chỉ nên tẩy 1 lần/tuần.
  • Tránh tác động mạnh vào vùng da cần tẩy nên massage nhẹ nhàng.

7.4. Dưỡng ẩm cho da

Các sản phẩm dưỡng ẩm giúp làn da của bạn giảm khô da. Điều đó có thể giúp ích trong việc điều trị như thuốc có thể thẩm thấu qua da tốt hơn hay hỗ trợ làm giảm các tác dung phụ của thuốc trong quá trình điều trị.

7.5. Kem chống nắng

Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng kem chống nắng là một mỹ phẩm nhưng không phải vậy. Kem chống nắng giúp ngăn chặn các tia tử ngoại như UVA và UVB có khả năng gây ung thư da giúp bảo vệ làn da của bạn và tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời.

Xem thêm một số loại mụn thường gặp:

Ngày viết:

3 thoughts on “Mụn bọc: Đặc điểm, Cơ chế, Nguyên nhân hình thành, Cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *