Giới thiệu về ghép da: kỹ thuật, quy trình và xử lí biến chứng

Bài viết Giới thiệu về ghép da: kỹ thuật, quy trình và xử lí biến chứng được dịch bởi Bác sĩ Phạm Tăng Tùng và Bác sĩ Văn Thị Như Ý từ Sách “SẸO TRỨNG CÁ – PHÂN LOẠI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ” của các tác giả Antonella Tosti, Maria Pia De Padova, Gabriella Fabbrocini, Kenneth R Beer.

Tổng quan về Ghép da

Lịch sử

Ghép da và ghép mỡ da đã được sử dụng từ những thập niên 1930 [27] nhưng phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng là với mục đích chỉnh sửa thiếu hụt mô ở các tạng hơn là ở trên da [11,28,29]. Trong nhiều thập kỉ, sử dụng phương pháp ghép da trên da bị hạn chế do phương pháp này có xu hướng hình thành nang và cho kết quả tương phản [28,29]. Những cải tiến gần đây trong kĩ thuật thu hoạc và cấy mô cho phép ghép da trở thành một lựa chọn chấp nhận được để làm đầy vĩnh viễn sẹo lõm do thiếu hụt mô dưới da [29].

Cấu trúc và chức năng

Trong thủ thuật ghép da, vùng sẹo lõm được bóc tách ngay trước khi cấy mảnh da vào. Thực hiện bước này nhằm mục đích tạo ra một túi nhận nằm ở lớp mô hạt mạch máu, là nơi có thể chấp nhận mảnh ghép và thúc đẩy sự nối thông các mao mạch của mảnh ghép và vùng được ghép [28]. Quy trình này sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi tuần hoàn đến mảnh da ghép nhanh chóng và đây là yếu tố chính để tỉ lệ thành công của thủ thuật cao hơn [28].

Kỹ thuật ghép da

Chỉ định

Ghép da được chỉ định để chỉnh sửa những vết sẹo dài và rộng (đường kính từ 3mm đến 2 cm) nhưng mềm và có thể co giãn [28,30]. Giống phương pháp cắt đáy sẹo, ghép da có thể làm đầy sẹo lõm nhưng không gây tổn thương đến lớp thượng bì phủ trên bề mặt sẹo, do đó phương pháp này phù hợp nhất để điều trị những loại sẹo có bề mặt da bình thường và bờ sẹo không sắc. Ghép da cũng được sử dụng để làm đầy những nếp nhăn sâu và rộng như nếp mũi má và nếp nhăn vùng giữa 2 chân mày (vùng glabellar) [28] và để chỉnh sửa những thiếu hụt ở bờ mũi và má do phẫu thuật Mohs để lại [31].

Ưu điểm và nhược điểm

Ghép da là một kĩ thuật mang lại nhiều lợi ích trong chỉnh sửa những thiếu hụt mô sâu trên da và mảnh da ghép có một vài ưu thế hơn so với những chất làm đầy khác. Mảnh da ghép có sẵn, không đắt tiền, là miếng ghép tự thân nên không gây dị ứng hoặc bị thải ghép [7, 29]. Ngoài ra mảnh da ghép có tiềm năng mang lại sự chỉnh sửa lâu dài hoặc vĩnh viễn so với các chất làm đầy khác [29]. Hơn nữa có thể tạo ra mảnh da ghép có hình dạng và kích thước phù hợp với bất kì vùng lõm nào [7]. Trong ghép da, bề mặt sẹo không bị gây tổn thương và chỉ gây bầm máu và phù nhẹ, tương tự như đối với thủ thuật cắt đáy sẹo.

Nhược điểm chủ yếu của ghép da là đòi hỏi phải có một vùng hiến da, và bệnh nhân cũng như bác sĩ có thể do dự khi gây tổn thương ở một vùng mới cho mục đích này. Ngoài ra, mặc dù ghép da có một vài ưu thế so với tiêm chất làm đầy, nhưng quy trình thu hoạch và cấy mô được xem là tốn thời gian hơn và thử thách hơn so với những thủ thuật làm đầy khác. Sự phát triển mạnh mẽ và sẵn có của nhiều loại vật liệu làm đầy mô mềm có thể tiêm, được đóng gói sẵn, an toàn và hoạt tính kéo dài đã làm giảm đi mối quan tâm đối với phương pháp ghép da.

Biến chứng

Sau khi ghép da, có thể xuất hiện những vết bầm tím, phù và đóng mài tại vị trí rạch da để tạo túi nhận [7]. Biến chứng thường thấy nhất là hình thành các nang ở da với tỉ lệ chiếm khoảng 10% các trường hợp [31]. Cách tốt nhất để tránh biến chứng này là chăm sóc cẩn thận để loại bỏ hoàn toàn lớp thượng bì và cấu trúc phụ của vùng hiến da trước khi thu hoạch mô ghép [29].

Phối hợp ghép da với các phương pháp khác

Có thể thu nhiều mảnh da ghép từ một vùng hiến da để cấy ghép cho nhiều vị trí khác nhau trong cùng một thủ thuật. Bệnh nhân có thể đồng thời điều trị tái tạo bề mặt da bằng dermabrasion, peel hóa chất hoặc điều trị laser cùng thời điểm với thủ thuật ghép da hoặc sau khi vết thương của thủ thuật ghép da đã lành [29,32]. Mặc dù không có những nghiên cứu chính thức được thực hiện, PRP có thể làm tăng hiệu quả điều trị khi phối hợp với ghép mỡ tự thân +/- tái tạo bề mặt bằng laser trong điều trị nhiều loại sẹo khác nhau [33,34].

Khuyến cáo lâm sàng cho bác sĩ

Mặc dù ghép da là phương pháp được đề xuất để điều trị sẹo có khả năng co giãn, có thể cần phải thực hiện cắt đáy sẹo một đến hai lần để làm những sẹo vốn bị xơ hóa trở nên mềm hơn và dễ thực hiện ghép da hơn [29].

Khi lựa chọn dụng cụ bấm để thu hoạc mô ghép, thì cần lưu ý rằng dụng cụ bấm thường được thiết kế để lấy mảnh da ghép có kích thước hơi lớn hơn vùng nhận một ít để bù trừ khi mảnh ghép teo lại, tuy nhiên lời khuyên là nên lấy mảnh ghép có kích thước đúng bằng kích thước vùng nhận [29].

Quy trình tiến hành thủ thuật

Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến cách chuẩn bị tốt nhất để tiến hành thực hiện ghép da. Trong khi Swinehart khuyến cáo nên tạo khoang nhận bên dưới sẹo từ 10-14 ngày trước khi đặt mảnh ghép hoặc ở thời điểm ghép da [29], thì những tác giả khác thích cắt đáy sẹo để tạo khoang nhận ngay trong thời điểm ghép da [29]. Cho dù bước này có được thực hiện hay không, các vết sẹo nên được khám một cách cẩn thận bằng cách chiếu sáng từ trên đầu hoặc chiếu tiếp tuyến ngay trước khi thực hiện ghép da và cả vùng sẹo lẫn vùng hiến da nên được đánh dấu cẩn thận bằng bút đánh dấu. Chụp ảnh trước và sau khi đánh dấu, trong đó những bức ảnh được chụp sau khi đánh dấu sẽ được sử dụng để tham khảo trong quá trình làm thủ thuật.

Tiếp theo, cả hai vị trí sẽ được tiêm tê bằng lidocaine 1%-2% pha với epinephrine 1:100000 để gây tê tại chỗ và giúp cầm máu. Vùng hiến da thường là vùng sau tai, vùng này sau đó được loại bỏ thượng bì đến dưới lớp bì nhú bằng cách mài da (dermabrasion) [7] hoặc laser tái tạo bề mặt [30]. Nên loại bỏ các cấu trúc phụ một cách cẩn thận, đặc biệt là tuyến bã nhờn vì sự tồn tại của tuyến bã nhờn trong mảnh da ghép có thể dẫn đến hình thành nang sau thủ thuật [29]. Phương pháp thu hoạch mảnh ghép được quyết định dựa vào kích thước và hình dạng của sẹo cần được chỉnh sửa. Có thể sử dụng dao mổ hoặc laser để thu hoạch mô da hình dải dài, trong khi dụng cụ bấm da được sử dụng để tạo ra mảnh da ghép cho những sẹo tròn và nhỏ. Mảnh da ghép nên được đặt vào dung dịch saline vô trùng được làm lạnh, và nếu cần có thể cắt tỉa bớt để vừa với vùng sẹo nhận [28].

Sẹo sau đó được cắt đáy để tạo túi nhận bên dưới bề mặt lõm của sẹo. Đối với sẹo tròn, nhỏ thì mảnh da ghép nên được đưa vào túi nhận qua vết cắt tạo ra bằng kim cắt đáy sẹo và điều chỉnh vào bên trong túi bằng forceps Jeweler đầu kim cương [28] (hình 12.3).
Để chỉnh sửa sẹo dạng đường kích thước lớn, Goodman đề xuất sử dụng kim luồn tĩnh mạch để tạo túi nhận cho sẹo và cũng như sử dụng để hướng và đặt mảnh ghép vào [29]. Kim luồn được đặt vào ở một đầu của đường sẹo khuyết, và được đẩy tới lui vài lần để tạo túi nhận, sau đó được đâm ra khỏi da ở đầu xa của vết sẹo [29]. Lõi sắt kim luôn sau đó được rút ra để lại vỏ nhựa của kim luồn bên trong túi nhận sao cho phần vỏ này lòi ra ở hai đầu của túi nhận [30]. Vỏ kim luồn sẽ đóng vai trò như là một đường hầm để luồn một cây kim thẳng được nối với mảnh ghép bằng chỉ polydioxanone. Kim thẳng được đưa vào một đầu của đường hầm cho đến khi mảnh ghép tiến sát đầu vỏ kim luồn, sau đó đuôi mảnh da ghép sẽ được kẹp bởi forcep Jewelers để có thể dễ dàng điều chỉnh mảnh ghép vào vị trí sau cùng của nó [29]. Trong khi mảnh da vẫn được kẹp bằng forcep Jewelers, thì vỏ kim luồn và mảnh da ghép được kéo (mảnh da ghép được kéo thông qua sợi chỉ) đồng thời bên trong túi nhận như là một đơn vị để loại bỏ vỏ nhựa kim luồn và chỉ còn lại duy nhất mảnh ghép bên trong hầm túi nhận [29]. Khi mảnh ghép đã ở đúng vị trí, tiến hành rút forcep Jew- elers và cắt sát đầu chỉ [29]. Không cần thiết phải loại bỏ chỉ ở đầu mảnh ghép. Nếu cần thiết, phần cuối của mảnh da ghép có thể được đặt lại bên trong với chỉ có khả năng tự tiêu cao và hai đầu đường hầm có thể được đóng bằng chỉ Steri-Strips (3M Corp, St. Paul, MN, USA) hoặc chỉ tự tiêu mảnh [28]. Cuối cùng, vùng hiến da nên được đóng lại bằng mũi khâu đệm ngang (horizontal mattress suture) [29].

Sau thủ thuật, bệnh nhân nên bất động vị trí mảnh ghép tối đa có thể trong 1-2 ngày để làm tăng khả năng sống sót tối đa của mảnh ghép [29]. Kết quả tức thì của thủ thuật ghép da thường rất tốt, hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn chỉnh sửa được chỗ khuyết với bằng chứng là chỗ lõm không còn nữa [28]. Thật không may, những kết quả ấn tượng ban đầu này có thể không tồn tại mãi vì mảnh ghép thường giảm thể tích theo thời gian. Hơn nữa, trong nghiên cứu của Goodman năm 1997 trên 11 bệnh nhân với 32 vị trí ghép da, 84% mảnh ghép đã giúp chỉnh sửa phần lớn hoặc chỉnh sửa hoàn toàn sẹo lõm trong khoảng thời gian theo dõi từ 3 đến 30 tháng [30].

HÌNH 12.3 ghép da. (a) sẹo lõm đầu tiên được cắt đáy để tạo túi nhận mô ghép. (b) sử dụng forceps Jeweller để đưa mảnh da ghép vừa được thu hoạch vào túi nhận qua đường rạch da được tạo ra bởi kim cắt đáy sẹo. (c) Sau khi hoàn tất thủ thuật, vùng lõm đã được làm đầy đến ngang mức với mô xung quanh.
HÌNH 12.3 ghép da. (a) sẹo lõm đầu tiên được cắt đáy để tạo túi nhận mô ghép. (b) sử dụng forceps Jeweller để đưa mảnh da ghép vừa được thu hoạch vào túi nhận qua đường rạch da được tạo ra bởi kim cắt đáy sẹo. (c) Sau khi hoàn tất thủ thuật, vùng lõm đã được làm đầy đến ngang mức với mô xung quanh.

Một kĩ thuật điều chỉnh được mô tả cách cắt vụn mảnh mô với dao mổ #15 hoặc kéo iris cong để tạo thành mô ghép mảnh vụn, có khả năng tạo thành bất kì hình dạng nào và phù hợp với sẹo boxcar, rolling, sẹo dạng đường hoặc sẹo có dạng hình học không đều [36]. Mô ghép mảnh vụn được hút vào trong một xi-lanh 1ml đầu kim 18 G và tiêm vào túi nhận bên dưới sẹo. Ngoài ra mô ghép vụn cũng có thể được đưa vào túi nhận bằng forceps giữ mô. Có thể điều chỉnh thể tích mô ghép từ bên ngoài cho đến khi sự chỉnh sửa tối đa đạt được [36].

Xử lí biến chứng

Trong trường hợp hình thành nang, có thể tiến hành tiêm corti- costeroid. Một phương pháp thay thế khác đó là dẫn lưu hoặc rạch nang [28].

Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề:

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *