Rôm sảy là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ nhỏ

Rôm sảy là gì?

Rôm sảy (hay rôm, sảy, nổi sảy) là chứng bệnh về da thường gặp vào mùa hè, khi khí hậu nóng ẩm.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là trẻ em, trẻ sơ sinh do có làn da mỏng và khá nhạy cảm.

Rôm sảy là bệnh lành tính, dễ chữa trị. Nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, rất dễ bị biến chứng nặng hơn như viêm nang lông hay nổi mụn, nhọt.

Hình ảnh Rôm sảy
Hình ảnh Rôm sảy

Triệu chứng của bệnh

– Trên da xuất hiện nhiều nốt ban đỏ hoặc hồng (sẩn), kích thước nhỏ. Các nốt sẩn tập trung thành từng đám, từng mảng lớn.

– Các vị trí thường xuất hiện rôm sảy là:

+ Tại các vị trí da có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, thường xuyên cọ sát với quần áo như: ngực, lưng, bụng…

+ Các vùng da nhiều nếp gấp: cổ, nách, vùng da dưới vú, vùng da dưới bìu,…

+ Trường hợp mắc rôm sảy nặng, sẩn đỏ có thể xuất hiện khắp cả người.

– Cảm giác nóng, ngứa, rất khó chịu, bứt rứt.

– Rôm sảy có thể tự khỏi khi thời tiết mát mẻ và xuất hiện trở lại khi thời tiết nóng bức.

– Trẻ em thường quấy khóc, ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều trẻ vì ngứa mà gãi nhiều làm tổn thương đến da, có thể gây nhiễm trùng da, viêm nang lông, thậm chí để lại sẹo.

Các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của rôm sảy

– Khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng bức.

– Vận động nhiều.

– Mặc quần áo quá dày.

– Mặc quần áo quá bó sát, không thấm mồ hôi, không thoáng khí.

– Trẻ bị sốt.

– Vệ sinh thân thể không sạch sẽ.

Nguyên nhân

– Vào mùa hè, nhiệt độ cao làm mao mạch dưới da giãn ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphylococcus epidermidis xâm nhập và phát triển.

– Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nhiều cơ quan, bộ phận chưa trưởng thành, hoạt động chức năng cũng còn nhiều thiếu sót. Ống bài tiết mồ hôi ở trẻ chưa hoàn thiện. Trời nóng làm mồ hôi tiết ra nhiều, ứ đọng lại trong ống bài tiết.

– Tế bào luôn luôn phân chia, số lượng tăng lên rất nhanh để thay thế các tế bào già, tế bào cũ. Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng, tốc độ sản sinh tế bào mới là rất lớn, đồng nghĩa với việc, có rất nhiều tế bào chết đi mỗi ngày.

Sự tích tụ của vi khuẩn, mồ hôi và tế bào chết trên da gây nên tình trạng viêm, làm xuất hiện các nốt sẩn đỏ khu trú một vùng da nhất định hoặc lan ra toàn bộ cơ thể.

Phân loại rôm sảy

Rôm sảy được phân loại dựa trên mức độ tắc nghẽn ống mồ hôi.

– Miliaria crystallina: Mức độ nhẹ, sự tắc nghẽn các ống mồ hôi chỉ xảy ra ở lớp trên cùng của da (thượng bì), biểu hiện là các mụn nước rất nhỏ, dễ vỡ, còn được gọi là các tinh thể.

– Miliaria rubra (rôm sảy gai, rôm sảy đỏ): Sự tắc nghẽn ống mồ hôi ở tầng thượng bì và trung bì của da, biểu hiện là các sẩn đỏ, gây cảm giác ngứa, châm chích da.

Hình ảnh người mắc Miliaria crystallina và Miliaria rubra
Hình ảnh người mắc Miliaria crystallina và Miliaria rubra

– Miliaria profunda (rôm sâu): Mức độ nghiêm trọng nhất, sự tắc nghẽn nằm sâu trong cấu trúc của tuyến mồ hôi, các nốt sẩn có kích thước lớn, có màu sắc tương đồng với màu da, cảm giác bỏng rát, gây đau.

Hình ảnh người mắc Miliaria profunda
Hình ảnh người mắc Miliaria profunda

Chẩn đoán

Bệnh rôm sẩy được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Cách điều trị rôm sảy

– Với đa số các trường hợp rôm sảy nhẹ, nếu có thể chuyển đến môi trường có nhiệt độ điều hòa hơn, tránh vận động quá nhiều, mặc quần áo thoáng mát và vệ sinh da sạch sẽ, rôm sảy sẽ biến mất.

– Với các trường hợp bị rôm sảy nặng, có thể sử dụng thêm các loại thuốc bôi, xoa ngoài da để làm giảm các triệu chứng của rôm sảy như ngứa, nóng rát. Một số loại kem như Bepanthen, Yoosun rau má,… hay những kem bôi khác có chiết xuất từ tự nhiên, ít tác dụng phụ có thể dùng để điều trị rôm sảy ở trẻ em.

Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên bôi một lượng kem mỏng, vừa đủ để tránh làm tình trạng bít tắc lỗ chân lông nặng thêm.

– Thuốc ức chế miễn dịch corticoid có thể được các bác sĩ chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân tắc nghẽn ống mồ hôi nặng, viêm nang ống mồ hôi, nhưng không nên sử dụng với các đối tượng là trẻ nhỏ vì có khả năng xảy ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Điều trị rôm sảy bằng các phương pháp dân gian

Một số loại thực vật từ thiên nhiên chứa các thành phần có tính chất kháng khuẩn tốt, được ứng dụng để điều trị rôm sảy cho trẻ em. Các bài thuốc này được lưu truyền trong dân gian, đến nay vẫn còn được áp dụng do tính hiệu quả và an toàn mà nó mang lại.

Ưu điểm của nó là nguyên liệu đều từ những loại cây cỏ quen thuộc, dễ tìm, giá rẻ như lá chè xanh, quả mướp đắng, lá kinh giới, lá khế, lá tía tô, lá dâu tằm,…

Cách thực thực hiện cũng khá đơn giản. Chỉ cần rửa sạch, có thể ngâm với nước muối trước khi rửa, rồi đun sôi với nước, để nguội, sau đó lấy nước pha loãng tắm cho trẻ.

Mướp đắng thường được dùng để trị rôm sảy
Mướp đắng thường được dùng để trị rôm sảy

Cần lưu ý một số điều để đảm bảo an toàn cho trẻ khi áp dụng phương pháp dân gian:

– Da trẻ rất nhạy cảm nên để tránh kích ứng vẫn nên thử dùng khăn tẩm nước mới nấu đã pha loãng lên một vùng da nhỏ trước, đợi một thời gian nếu không thấy có hiện tượng dị ứng, mới tắm toàn thân cho trẻ.

– Sử dụng phương pháp này không thể loại bỏ hết hoàn toàn chất nhờn, chấn bẩn bám trên da. Vì thế vẫn nên tắm bằng các loại sữa tắm chuyên dụng trước.

– Không nên tắm cho trẻ bằng nước nấu đầu tiên mà không pha loãng, hàm lượng cao các chất chiết xuất cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng da, khiến tình da xấu đi.

– Không tắm nước lá cho trẻ nếu trên da có các vết thương hở.

Cách phòng ngừa rôm sảy

– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày, tắm nước mát. Nên sử dụng xà phòng có thành phần kháng khuẩn.

– Áo quần mặc hằng ngày nên chọn vải có chất liệu cotton thoáng mát, hút ẩm tốt. Không nên mặc áo quần quá dày hay bó sát.

– Nên sinh hoạt ở những nơi có không khí điều hòa, hạn chế đến những nơi đông người, chật chội.

– Chống nắng kỹ khi ra ngoài bằng kem chống nắng và các loại trang phục chống nắng.

– Sử dụng thêm các loại phấn rôm, phấn bôi để da được khô thoáng.

– Uống đủ nước, bổ sung thêm các loại nước thanh nhiệt, mát gan như nước rau má, đỗ đen,..

– Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C, các chất khoáng từ rau củ, trái cây.

Xem thêm:

Thuốc Beclogen: Công dụng, Cách dùng, Tác dụng phụ, Giá bán

Thuốc Daehwademacot: Công dụng, Lưu ý tác dụng phụ, Giá bán

Ngày viết:

2 thoughts on “Rôm sảy là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ nhỏ

    • Lê Duy Dược sĩ says:

      Bạn ngâm rửa sạch mướp đắng bằng nước muối rồi xay hoặc giã, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm cho bé nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *