Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị sùi mào gà bằng laser CO2

Bài viết Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị sùi mào gà bằng laser CO2 của tác giả Lạc Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Thúy Liễu, Huỳnh Văn Bá, Phạm Đình Tụ.

1. Tóm tắt

Sùi mào gà sinh dục là một bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục, do tác nhân Human papilloma virus. Có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà, nhưng trong những năm gần đây, laser CO2 được ứng dụng nhiều trong y học, đặc biệt cho hiệu quả nhanh, ít gây nhiễm trùng, cầm máu tốt, với vai trò chủ yếu là con dao mổ thì việc điều trị sùi mào gà bằng laser CO2 được nhiều cơ sở y tế ứng dụng.

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng bệnh sùi mào gà điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ năm 2019. Đánh giá kết quả điều trị bệnh sùi mào gà bằng laser CO2 tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ năm 2019.

Phương pháp: Mô tả cắt ngang.

Kết quả: Theo nghiên cứu 106 bệnh nhân, sùi mào gà nhọn chiếm 73,6%, sùi mào gà sẩn chiếm 42,5%, sẩn sừng hóa 36,8%, sẩn dẹt 4,7%. Kết quả điều trị tốt 75,5%, tỷ lệ tái phát 18,9%, tỷ lệ tác dụng phụ 2,8%, tỷ lệ biến chứng chảy máu 7,5%, đau 6,6%, phù nề 15,1%.

Kết luận: Sùi mào gà dạng nhọn là dạng thường gặp nhất 73,6%. Kết quả điều trị tốt chiếm tỷ lệ 75,5%.

Từ khóa: Sùi mào gà sinh dục, Human papilloma virus, laser CO2.

Sùi mào gà sinh dục
Sùi mào gà sinh dục

2. Đặt vấn đề

Sùi mào gà sinh dục là một bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục, do tác nhân Human papilloma virus. Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc nhiễm Human papillimo virus là rất phổ biến ở người trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục, nhưng thường không có triệu chứng và thoáng qua. Người ta ước tính rằng 30% đến 50% người lớn hoạt động tình dục bị nhiễm Human papilloma virus, chỉ có khoảng 1% đến 2% số bệnh nhân nhiễm Human papilloma virus có triệu chứng lâm sàng.

Đến nay người ta đã xác nhận có hơn 130 týp Human papilloma virus và hầu hết các týp này đều không gây ra các triệu chứng đáng chú ý và sẽ tự sạch nhiễm. Có hơn 40 týp Human papilloma virus gây bệnh ở vùng sinh dục, trong đó týp 6 và 11 chiếm tới 90%. Các týp 16, 18, 31, 33, 34 và 35 có thể gây loạn sản thượng bì và dẫn đến ung thư về sau.

Bệnh sùi mào gà ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, gây tâm lý lo lắng và sự gánh nặng về chi phí điều trị, ước tính khoảng 6 tỷ đô la mỗi năm tại Hoa Kỳ. Vì thế cần có sự quan tâm, theo dõi đúng mức từ việc phòng chống lây nhiễm đến việc tầm soát phát hiện bệnh và những điều trị thích hợp, để tránh những hậu quả nặng nề về sau. Điều trị sùi mào gà có nhiều phương pháp, nhưng chưa có phương pháp nào được xem là lý tưởng.

Theo Bùi Thị Thùy Dung (2018) [2], trong 46 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có 40 bệnh nhân có thương tổn là sùi chiếm 87%, còn lại 6 bệnh nhân có thương tổn là những sản chiếm 13%, không có thương tổn dát. Nghiên cứu của Nguyễn Quang Minh (2010) [3] là 80,9% và nghiên cứu của F. Akapadjan, H. Adegbidi và cộng sự (2017) [6], tỷ lệ sùi là 82,4%. Như vậy nghiên cứu của chúng tôi cũng gần tương tự với các tác giả trên, dạng sùi là chiếm ưu thế.

Khác với nghiên cứu của chúng tôi thì nghiên cứu của F. Akapadjan, H. Adegbidi và Cộng sự (2017), có 6,8% thương tổn là sùi mào gà không lồ là một thể rất hiếm gặp do HPV6 và 11 gây nên. Bệnh có đặc điểm là xâm lấn xuống dưới trung bì. Tổ chức bệnh học có những vùng lành tính xen kẽ với các ổ tế bào thượng bì bất thường hoặc các tế bào biệt hóa ung thư tế bào gai. Các vị trí và hình thái lâm sàng của các thương tổn được quan sát thấy ở bệnh nhân của chúng tôi là phù hợp với các tài liệu chứng minh rằng sùi mào gà có thể là sùi, sẩn, thậm chí khổng lồ đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, số ngày điều trị trung vị là 7 ngày, ngắn nhất là 3 ngày và dài nhất là 45 ngày. Theo nghiên cứu của Nguyễn Quí Thái (2002) [4] Số ngày điều trị trung bình của phương pháp laser CO2 là 5,16 ngày. Như vậy, kết quả này của Nguyễn Quí Thái thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi. Điều này có thể là do quy trình điều trị ở mỗi Bệnh viện khác nhau. Mặc khác, số ngày điều trị còn tùy thuộc vào số lượng thương tổn trên từng đối tượng nghiên cứu là khác nhau.

Nghiên cứu của chúng tôi, điều trị sùi mào gà bằng laser CO2 đạt kết quả tốt chiếm tỷ lệ cao nhất là 75,5%, tái phát chiếm 18,9% và có tác dụng phụ là 2,8%. Trong các biến chứng xảy ra trên bệnh nhân sùi mào gà, biến chứng chiếm tỷ lệ cao nhất là phù nề 15,1%, tiếp theo là biến chứng chảy máu chiếm 7,5% và nhỏ nhất là biến chứng đau chiếm 6,6%. Theo nghiên cứu của Nguyễn Quí Thái (2002) [4], kết quả điều trị tốt chiếm 70,05%, tái phát chiếm 17,1%, tác dụng phụ là 2,63%. Biến chứng chảy máu 1,31%, đau rát 3,94%, sưng nề 6,58%.

Như vậy kết quả điều trị tốt cũng như tỷ lệ tái phát và tác dụng phụ của chúng tôi gần tương đương với tác giả Nguyễn Quí Thái, tuy nhiên tỷ lệ các biến chứng đau, chảy máu và phù nề ở các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của tác giả Nguyễn Quí Thái, điều này có thể là do thời gian theo dõi trong nghiên cứu của chúng tôi dài hơn và số lần điều trị từ 2 lần chiếm tỷ lệ cao nên xác suất có biến chứng ở các lần điều trị khác nhau là độc lập. Mặt khác, vị trí thương tổn ở thành âm đạo trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ cao nên hạn chế vô cảm ở vùng đó và kiểm soát chảy máu cũng khó khăn hơn, chính vì vậy tỷ lệ các biến chứng chảy máu đau, phù nề trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ khá cao.

3. KẾT LUẬN

Qua kết quả nghiên cứu 106 bệnh nhân sùi mào gà trong thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2019 tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ. Một số kết luận được rút ra như sau:

Dạng thương tổn: sùi mào gà nhọn chiếm 73,6%, sùi mào gà sẩn chiếm 42,5%, sẩn sừng hóa 36,8%, sẩn dẹt 4,7%.

Số ngày điều trị: ngắn nhất 3 ngày, dài nhất 45 ngày, trung vị 7 ngày.

Kết quả điều trị: tỷ lệ tốt 75,5%, tỷ lệ tái phát 18,9%, tỷ lệ tác dụng phụ 2,8%, tỷ lệ biến chứng chảy máu 7,5%, đau 6,6%, phù nề 15,1%.

4. Tài liệu tham khảo

1. Hà Nguyên Phương Anh (2015), Đánh giá tác dụng của cimetidin trong phòng tái phát ở bệnh nhân bị sùi mào gà so với trị liệu laser CO2 đơn thuần, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Y Hà Nội.

2. Bùi Thị Thùy Dung (2018), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, tìm hiểu một số yếu tố liên quan và đánh giá kết quả điều trị bệnh sùi mào gà bằng phương pháp đốt điện tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ năm 2017-2018, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

3. Nguyễn Quang Minh (2010), “Đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan đến bệnh sùi mào gà”, Tạp chí Da liễu học Việt Nam, (10), tr. 31-35.

4. Nguyễn Quý Thái (2011), “Đánh giá hiệu quả điều trị sùi mào gà sinh dục bằng phẩu thuật Laser CO2 tại Thành phố Thái Nguyên”, Tạp chí Y học thực hành, (6), pp.111-114.

5. Adamkova.V, Petras.M (2015), “Rates and predictors of genital warts burden in the Czech population”, International Journal of Infectious Diseases, 35, pp. 29-33.

6. Azizjalali, M., Ghaffarpour, G., Mousavifard, B. (2012), “CO2 laser therapy versus cryotherapy in treatment of genital warts; a Randomized Controlled Trial (RCT)”, Iranian Journal of Microbiology, 4(4), pp.187-190.

7. Bouscarat F, Aubin F (2016), “External Genital warts (Condyloma)”, Annales De Dematologie et De Venereologie, 143, pp. 741-745.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *