Bài viết Một Số Chất Làm Trắng Đường Uống – Những Điều Cần Biết được dịch bởi Bác sĩ Phạm Tăng Tùng từ Sách “ĐIỀU TRỊ NÁM Ở NGƯỜI CHÂU Á” của các tác giả Maria Suzanne L.Datuin
1. GIỚI THIỆU
Màu da không đều đặc biệt là ở những phụ nữ bị nám luôn là nỗi lo lắng và quan tâm của họ. Vài thập niên trở lại đây, việc sở hữu một khuôn mặt trắng sáng và đều màu da không chỉ là biểu tượng của sự nổi bật mà còn là sự xuất sắc và lợi thế của người phụ nữ. Ở Ấn Độ, mối quan tâm đối với màu da đã được hình thành và phát triển trong hơn hai thế kỉ đồng thời màu da cũng phản ánh được tầng lớp và giai cấp trong xã hội [1].
Các chất làm trắng hệ thống rất nhanh đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Quá trình thương mại các sản phẩm này đã rất phát triển và trở thành ngành kinh doanh nhiều triệu đô la. Các phụ nữ tin rằng có làn da trắng có nhiều lợi thế và họ dễ dàng bị thuyết phục để mua các sản phẩm này kể cả khi không có nhiều bằng chứng chứng minh sản phẩm đó có hiệu quả thực sự.
2. TRANEXAMIC ACID
Được biết đến như là chất cầm máu, tranexamic acid (trans-4-aminomethyl cyclohexane carboxylic acid) (hình 14.1) là một dẫn xuất tổng hợp của amino acid lysine. Trước hết, chất này đặc biệt được sử dụng trong phẫu thuật nhờ vào khả năng chống tiêu sợi huyết của nó [2]. Vào đầu năm 1979, nghiên cứu và báo cáo đầu tiên của Nijor đã mở đường cho nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của nó lên nám [3]. Là chất tổng hợp tương tự lysine có khả năng ức chế đảo ngược vị trí gắn của lysine trên phân tử plasminogen, hiệu quả của TA nằm ở chỗ nó có thể ức chế các chất hoạt hóa plasminogen (PA) của plasmin.
Các tế bào sừng có thể sản xuất ra PA. Các tế bào đáy thượng bì chứa các phân tử plasminogen. Plasmin đóng vai trò trong sự bài tiết yếu tố tăng tưởng nguyên bào sợi cơ bản (basic fibroblast growth factor), đây là yếu tố kích thích tăng trưởng mạnh mẽ các tế bào melanocyte. Wu và các cộng sự đã báo cáo rằng TA khi điều trị ở động vật đã cho thấy khả năng dự phòng tăng sắc tố do tia UV bằng cách ngăn plasminogen gắn vào keratinocyte dẫn đến làm giảm hoạt động của tyrosinase trong các tế bào melanocyte. Ông cũng nói rằng một nghiên cứu khác đã được thực hiện bởi Zhang cũng cho thấy TA có thể ức chế quá trình sinh tổng hợp melanin bằng cách ngăn chặn phản ứng xúc tác của tyrosinase. Sarkar cũng khẳng định rằng TA có thể làm giảm hormone kích thích α-melnocyte, một loại hormone kích thích tổng hợp melanin [6].
Karn đã đánh giá hiệu quả của TA như là một chất hỗ trợ cho kem bôi hydro- quinone và chống nắng trong điều trị nám ở 260 bệnh nhân [7]. Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng trong 3 tháng này, các bệnh nhân nhóm A được uống TA 250 mg 2 lần mỗi ngày kèm với sử dụng thuốc bôi, và nhóm B chỉ sử dụng thuốc bôi. Kết quả chỉ ra rằng điểm số MASI giảm mạnh một cách có ý nghĩa thống kê từ thời điểm bắt đầu điều trị đến thời điểm 8 và 12 tuần ở nhóm A (11.08 ±2.91 so với 8.95 ±2.08 ở tuần thứ 8 và 7.84 ±2.44 ở tuần thứ 12; p< 0.05 ở cả hai thời điểm). Ở những bệnh nhân thuộc nhóm B, mức độ giảm điểm MASI có ý nghĩa ở thời điểm 8 tuần và không có ý nghĩa ở thời điểm 12 tuần (11.60 ±3.40 so với 9.9 ±2.61 ở tuần thứ 8 và 9.26 ±3 ở tuần thứ 12; giá trị p lần lượt p<0.05 và p> 0.05). TA có hiệu quả trong điều trị nám khi dùng liều thấp 250 mg hai lần mỗi ngày trong ít nhất 3 tháng.
Do có tác dụng chống đông, TA không an toàn nếu sử dụng lâu dài. Các tác dụng không mong muốn gồm thuyên tắc tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tác mạch phổi.
3. PYCNOGENOL/PROCYANIDIN
Pycnogenol có nguồn gốc từ chiết xuất vỏ thông đỏ, Pinus pinaster (hình 14.2). Chiết xuất này chứa 65-75% procyanidin như là thành phần hoạt chất chính. Ngoài ra còn chứa các hợp chất gốc phenol như catechin, epicatechin, cafeic acid và ferulic acid [8]. Chất này được cho là có tác dụng mạnh hơn vitamin C và E trong ống nghiệm về khả năng kháng viêm và chống oxi hóa [9]. Ngoài ra, chất này cũng đã được chứng minh có khả năng ngăn đỏ da do tia UV thông qua việc ức chế biểu hiện của yếu tố nhân (NF-kB) [8].
Trong một nghiên cứu mở trên 30 phụ nữ Trung Quốc bị nám sử dụng pyc- nogenol 25 mg 3 lần mỗi ngày trong 30 ngày của Ni và cộng sự đã cho thấy tỉ lệ đáp ứng 80% và không có biến chứng nào được phát hiện [9]. Handog , trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng, đã báo cáo rằng khi cho 60 phụ nữ người Philippin bị nám hai bên sử dụng phối hợp procyanidin với vitamin A, C, E đã làm giảm đáng kể mức độ nám ở hai bên má (trái: 165.85 ±70.909; phải: 161.33 ±61.824, p< 0.0001). Điểm MASI cũng giảm đáng kể (trái 2.4862±1.67816; phải: 1.8889±1.67110, p<0.001). Do đó, công thức procyanidin + vitamin A, C, E đã chứng minh được tính an toàn, dễ dung nạp với tác dụng phụ tối thiểu. Trong nghiên cứu, bệnh nhân sử dụng procyanidin 24 mg 2 lần mỗi ngày trong 8 tuần. Không có tác dụng phụ nào được báo cáo trong nghiên cứu [10].
4. POLYPODIUM LEUCOTOMOS (PL)
Polypodium leucotomos là một loài dương xỉ nhiệt đới (hình 14.3) có chứa polyphenol, một chất ức chế mạnh gốc tự do, có khả năng kháng viêm, chống oxi hóa và chống nắng. PL ức chế tổn thương màng do matrix metalloproteinase-1 photoinduced và giảm ngộ độc ánh sáng do psoralen/UVA [11].
Martin đã chứng minh được hiệu quả lâm sàng của P. leucotomos trong điều trị nám. Những phụ nữ tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 18-50 bị nám thượng bì (N=21) được chọn ngẫu nhiên sử dụng P. leucotomos đường uống hoặc giả dược 2 lần mỗi ngày trong 12 tuần. Mỗi đối tượng đều sử dụng kem chống nắng SPF 45 hàng ngày. Phương pháp đánh giá hiệu quả là sự thay đổi của các thang điểm Melas- ma Quality of Life Scale, MASI, và đánh giá lâm sàng của các bác sĩ tham gia nghiên cứu. Ảnh chụp thật và ảnh chụp dưới đèn UV đã được ghi nhận tại thời điểm trước điều trị, 4, 8, 12 tuần đã được đánh giá mù đôi, độc lập bởi các chuyên gia nghiên cứu. Ở tuần thứ 12, những bệnh nhân được điều trị với P. leucotomos giảm mạnh điểm MASI (5.7-3.3; p<0.05), trong khi đó, nhóm chứng thì không (4.7-5.7; p=NS). Đánh giá hình ảnh cho thấy mức độ cải thiện ít và nhiều lần lượt là 43 và 17%
ở những bệnh nhân điều trị P.leucotomos, so với 14 và 0% ở những bệnh nhân điều trị bằng giả dược. Tương tự, kết quả tự đánh giá của bệnh nhân cho thấy mức độ cải thiện ít và nhiều lần lượt chiếm 50 và 13 % đối với nhóm được điều trị và 17 và 0% đối với nhóm giả dược. Mười bảy phần trăm bệnh nhân điều trị giả dược bị nám nặng hơn, và không bệnh nhân nào được điều trị với P. leucotomos bị nặng hơn [12].
Một bài viết tổng quan của Nestor đã trích dẫn một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng về đánh giá hiệu quả của PL dạng uống trên 21 phụ nữ (18-50 tuổi) bị nám. PL được sử dụng 2 lần mỗi ngày (không nói rõ liều) trong khoảng thời gian là 12 tuần kèm với sử dụng chống nắng hàng ngày. Kết quả được đánh giá bằng sự thay đổi của các thang điểm Melasma Quality of Life Scale, MASI, đánh giá lâm sàng và phân tích hình ảnh độc lập, mù đôi bởi các bác sĩ tham gia nghiên cứu. Kết thúc nghiên cứu, những người được điều trị PL có sự giảm đáng kể thang điểm MASI và đều này không thấy được ở nhóm bệnh nhân sử dụng giả dược. Tất cả các chỉ số đo lường khác đều có sự cải thiện [13].
5. GLUTATHIONE (GSH)
Glutathione là hợp chất phổ biến chứa nhóm sulfhydryl (SH) có hoạt tính sinh học trong cơ thể chúng ta. Glutathion là một tripeptide cấu tạo nên glutamate, L-cysteine và glycine (hình 14.4), đây là những chất chống oxi hóa mạnh đã được công nhận. Glutathione có tác dụng như là một chất làm trắng theo một vài cơ chế. Gồm: (1) kích thích sản xuất pheomelanin nhiều hơn eumelanin, (2) tác dụng của glutathione lên tyrosinase, và (3) trung hòa các gốc tự do hoạt hóa tyrosinase [14, 15].
Nghiên cứu đầu tiên được công bố về sử dụng glutathione dạng uống như là chất làm trắng đã được tiến hành bởi Arjinpathana và các cộng sự năm 2012. Đó là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng trên 60 sinh viên y khoa, những người này được sử dụng viên nhộng chứa 250 mg glutathione 2 lần mỗi ngày lúc đói trong 4 tuần. Kết quả có sự thay đổi đáng kể chỉ số melanin và ảnh chụp trước và sau khi điều trị. Tuy nhiên, giới hạn của nghiên cứu này đó là nồng độ glutathione trong huyết tương đã không được đo lường, và chỉ tiến hành nghiên cứu trong 4 tuần, và không theo dõi đối tượng nghiên cứu để xác định thời gian chỉ số melanin trở lại như ban đầu [16].
Handog đã tiến hành một nghiên cứu sơ bộ mở, không đối chứng trên 34 bệnh nhân, trong đó 30 người đã hoàn tất nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là những phụ nữ khỏe mạnh (tuổi từ 22-42) có phân loại ánh sáng da theo Fitzpatrick type IV hoặc V. Những người này được uống 500 mg GSH dạng viên nén hình thoi ngậm trong miệng hoặc dưới lưỡi mỗi buổi sáng trong vòng 8 tuần. Hấp thu bằng đường niêm mạc tránh đi qua hệ thống chuyển hóa và do đó liều lượng được đồng nhất. Xét nghiệm máu tổng quát và chức năng gan đã được thực hiện trước và sau nghiên cứu. Chỉ số melanin được xác định mỗi 2 tuần. Mexameter đọc ở cả vị trí phơi bày ánh sáng (giữa xương ức) và vị trí được bảo vệ (mặt duỗi cổ tay phải). Thang điểm đánh giá tổng quát được ghi nhận ở cuối nghiên cứu. Phân tích thống kê cho thấy chỉ số melanin đã giảm đáng kể sau 2 tuần, ở cả hai vị trí. Chín mươi phần trăm đối tượng tham gia nghiên cứu có sự cải thiện mức trung bình trong khi 3% thay đổi ít.
6. KẾT LUẬN
Các chất làm trắng hệ thống có thể là phương pháp điều trị bổ trợ hữu ích đối với những bệnh nhân có mong muốn làm da sáng hơn. Nhiều nghiên cứu cần được thực hiện để đánh giá hiệu quả của GSH khi sử dụng lâu dài.
7. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Malathi M, Thappa DM. Systemic skin whitening/lightening agents: what is the evi- dence? Ind J Dermatol Venereol 2013;79:842–6.
- Dunn CJ, Goa KL. Tranexamic acid: a review of its use in surgery and other indications. Drugs. 1999;57:1005–32.
- Nijor Treatment of melasma with tranexamic acid. Clin Res. 1979;13:3129–31.
- Tse TW, Hui E. Tranexamic acid: an important adjuvant in the treatment of melasma. Aesthetic Plas Surg. 2012;36:964–70.
- Wu S, Shi H, Wu H, Yan S, Guo J, Sun Y, et Treatment of melasma with oral administra- tion of tranexamic acid. Aesthetic Plas Surg. 2012;36:964–70.
- Sarkar R, Chugh S, Garg Newer and upcoming therapies for melasma. Ind J Dermatol Venereol Leprol. 2012;78:417–28.
- Karn D, Kc S, Amatya A, Razouria EA, Timalsina Oral tranexamic acid for the treatment of melasma. Kathmandu Univ Med J. 2012;10(4):40–3.
- Konda S, Geria AN, Halder New horizons in treating disorders of hyperpigmentation in skin of color. Semin Cutan Med Surg. 2012;31:133–9.
Tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề