CÁC TÁC DỤNG PHỤ TRONG TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER

Bài viết CÁC TÁC DỤNG PHỤ TRONG TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER – Tác giả: Bs. Trương Tấn Minh Vũ

CÁC TÁC DỤNG PHỤ TRONG TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER
CÁC TÁC DỤNG PHỤ TRONG TÁI TẠO BỀ MẶT DA BẰNG LASER

– Tái tạo bề mặt da bằng laser đang là một trong những phương pháp phổ biến để xử lý các vấn đề trên da mặt như nếp nhăn, rối loạn sắc tố, sẹo và làm săn chắc da toàn bộ khuôn mặt.

– Các loại laser thông dụng trong tái tạo bề mặt da như laser CO2 (10600nm), laser Er:YAG (2940nm), hoặc các laser thế hệ mới hơn như laser Er:Glass (1540nm), laser Lithium (1927nm), laser Nd:YAG (1064nm). Công nghệ laser thay đổi liên tục theo thời gian để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người cũng như để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn của thủ thuật.

– Tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của các biến chứng liên quan đến tái tạo bề mặt da bằng laser phụ thuộc vào loại laser được sử dụng. Trong thời kỳ đầu, laser CO2 và Er:YAG xung liên tục được sử dụng để tái tạo bề mặt da, do năng lượng không được kiểm soát phù hợp nên tạo ra tổn thương nhiệt quá mức, dẫn đến biến chứng nhiều với tỷ lệ để lại sẹo cao. Để cải thiện hiệu quả và biến chứng, laser xung ngắn với chế độ bắn vi điểm (fractional) được phát triển, tổn thương nhiệt được kiểm soát tốt hơn, để lại những vùng da lành xen kẽ vùng da điều trị giúp quá trình lành thương tốt hơn, tái tạo biểu mô nhanh hơn, các tác dụng phụ khác như ban đỏ và phù nề ít hơn. Các thế hệ laser mới như laser Er:Glass (1540nm), laser Lithium (1927nm) tạo ra các tổn thương nhiệt được kiểm soát tốt hơn nữa, giảm thiểu việc gây bóc tách biểu mô khi điều trị; hoặc laser Nd:YAG (1064nm) chế độ fractional với xung pico giây, nano giây có thể tạo ra các “tổn thương lạnh” trên da, giúp tái tạo bề mặt da và giảm thiểu rất nhiều các tác dụng phụ không mong muốn.

– Cho dù sử dụng loại laser nào thì tác dụng phụ là điều khó tránh khỏi, chỉ là mức độ khác nhau. Các tác dụng phụ thường gặp sau điều trị bằng laser tái tạo bề mặt như ban đỏ, phù nề, rỉ dịch, đóng mài, ngứa… hoặc có thể gặp như tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố sau viêm, bùng phát mụn trứng cá, hạt kê (milia), nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm), viêm da tiếp xúc, sẹo.

– Sử dụng loại laser phù hợp với loại da và vấn đề của da, quy trình thực hiện điều trị an toàn, chăm sóc vết thương đúng cách sau laser là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của quy trình tái tạo bề mặt da bằng laser.

1/ Ban đỏ và phù nề

Ban đỏ và phù nề là những tác dụng phụ phổ biến nhất khi tái tạo bề mặt bằng laser, là hậu quả bình thường của tổn thương mô do laser gây ra và chỉ được coi là bất thường nếu tồn tại trong một thời gian dài. Sử dụng những loại laser gây tổn thương nhiệt nhiều gây ra ban đỏ kéo dài hơn hoặc ở những bệnh nhân dùng các sản phẩm bôi như tretinoin hoặc các loại AHA, BHA.

Khi xuất hiện tình trạng ban đỏ nhiều, kéo dài sau điều trị laser, cần loại trừ tình trạng viêm da tiếp xúc do các sản phẩm bôi sau điều trị, nếu cần thiết có thể sử dụng corticoid bôi tại chỗ để giảm viêm nhanh và ngăn ngừa sớm sự hình thành sẹo.

2/ Mụn trứng cá

Các đợt bùng phát mụn trứng cá cũng tương đối phổ biến sau khi tái tạo bề mặt da bằng laser, nguyên nhân phần lớn do sử dụng các sản phẩm hỗ trợ lành thương gây bít tắc lỗ chân lông, đặc biệt trên bệnh nhân dễ bị mụn trứng cá. Ngoài ra, sự biểu mô hoá nang lông bất thường sau tổn thương do laser ở đơn vị nang lông tuyến bã có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá, bất kể tiền sử mụn trứng cá.

Thường không cần điều trị vì mụn thường nhẹ và tự khỏi sau khi ngừng sử dụng các sản phẩm lành thương đặc gây bít tắc lỗ chân lông và thay thế bằng các sản phẩm ít gây bít tắc hơn. Nếu mụn vẫn kéo dài mặc dù đã thay đổi sản phẩm hỗ trợ, có thể sử dụng tretinoin, axit glycolic hoặc axit azelaic tại chỗ, kết hợp thêm kháng sinh tại chỗ erythromycin, clindamycin nếu có mụn viêm.

3/ Hạt kê (Milia)

Milia là các sẩn nhỏ màu trắng có chứa sừng trên da, xuất hiện do sự biểu mô hoá bất thường sau tổn thương do laser trên da. Milia thường ở bề mặt và tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu cần điều trị, có thể sử dụng các sản phẩm tretinoin, axit glycolic hoặc có thể nặn các tổn thương bằng tay.

4/ Viêm da tiếp xúc dị ứng và kích ứng

Da mới tái tạo bề mặt đặc biệt dễ bị kích ứng từ các sản phẩm bôi tại chỗ do thiếu hàng rào biểu bì bảo vệ. Bệnh nhân có thể phản ứng với nhiều chất kích thích và chất gây dị ứng tiềm ẩn có trong sản phẩm được dùng tại chỗ, bao gồm chất bảo quản, kem chống nắng hóa học và hương liệu. Thuốc kháng sinh tại chỗ là những nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc sau tái tạo bề mặt, nên tránh sử dụng ngay sau khi điều trị laser. Nên nghi ngờ viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng khi bệnh nhân có biểu hiện ban đỏ hoặc ngứa nặng hơn sau khi tái tạo bề mặt da, chỉ nên sử dụng các chất dưỡng ẩm làm mềm dịu da, hỗ trợ lành thương tốt.

Khi viêm da tiếp xúc phát triển, nên ngưng sử dụng tất cả các sản phẩm bôi và bôi corticosteroid nhẹ và băng ướt thường xuyên để giảm ngứa và khó chịu. Trong trường hợp nặng hơn, có thể dùng thuốc kháng histamin đường uống hoặc corticosteroid đường uống ngắn hạn để kiểm soát tình trạng viêm da và giảm nguy cơ hình thành sẹo.

5/ Nhiễm trùng

Nhiễm virus, vi khuẩn và nấm có thể xuất hiện trong tuần đầu tiên sau khi tái tạo bề mặt da bằng laser, trong quá trình tái tạo biểu mô. Các dấu hiệu đau, ban đỏ tăng, chảy mủ, đóng mài hoặc chậm lành vết thương cảnh báo khả năng nhiễm trùng bề mặt da.

Biến chứng nhiễm trùng thường gặp nhất liên quan đến tái tạo bề mặt da là sự tái hoạt của virus herpes simplex, có thể tổn thương do laser trên da dẫn đến kích hoạt và phát tán virus tiềm ẩn, bệnh nhân có tiền sử nhiễm herpes simplex trước đó nên được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus đường uống trước khi được tái tạo bề mặt da bằng laser.

Nhiễm trùng vết thương do vi khuẩn và nấm trên bề mặt cũng có thể xảy ra sau khi tái tạo da bằng laser. Môi trường ẩm ướt của vùng da mới được tái tạo là môi trường lý tưởng để các mầm bệnh cơ hội phát triển. Nhiễm trùng do vi khuẩn thường là do các liên cầu hoặc tụ cầu, pseudomonas aeruginosa cũng có thể làm nhiễm trùng vết thương. Nhiễm nấm candida ở da có thể khó chẩn đoán vì có thể giống mụn trứng cá trong giai đoạn sau tái tạo da bằng laser, những người có nguy cơ cao bị nhiễm nấm candida gồm mắc bệnh tiểu đường, ức chế miễn dịch hoặc nhiễm nấm candida âm đạo.

Nếu nghi ngờ nhiễm trùng da, nên lấy mẫu cấy vết thương để bắt đầu dùng kháng sinh đường uống hoặc thuốc chống nấm thích hợp. Ngăn ngừa nhiễm trùng là mục tiêu chính bằng cách vô trùng trong khi làm thủ thuật và chăm sóc tại nhà phù hợp. Hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh dự phòng sau tái tạo da bằng laser là không rõ ràng, sử dụng bừa bãi kháng sinh gây ra việc kháng thuốc và thúc đẩy bội nhiễm bởi các sinh vật cơ hội khác.

6/ Tăng sắc tố sau viêm

Tăng sắc tố sau viêm thoáng qua là tác dụng phụ phổ biến nhất của tái tạo bề mặt da bằng laser, đặc biệt ở những người có loại da sậm màu hơn (type da Fitzpatrick III-VI). Tăng sắc tố sau viêm thường xuất hiện trong tháng đầu tiên sau khi điều trị và tự khỏi trong vài tháng tiếp theo.

Các sản phẩm bôi tại chỗ gồm các hợp chất retinoic, azelaic acid, glycolic acid, hydroquinone, vitamin C, tranexamic acid … có thể được sử dụng để thúc đẩy quá trình cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm. Kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 trở lên là bắt buộc trong giai đoạn này để ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố trở nên tệ hơn. Sản phẩm điều trị không được quá mạnh, để tránh kích ứng da và thêm tăng sắc tố sau viêm.

Một số sản phẩm được khuyên sử dụng trước thủ thuật để ngăn ngừa tình trạng này, tuy nhiên hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.

7/ Giảm sắc tố

Giảm sắc tố thường xuất hiện muộn và là một tác dụng nghiêm trọng và kéo dài của tái tạo bề mặt da bằng laser, có thể sau tái tạo bề mặt da 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, giảm sắc tố hiếm khi xảy ra và thường ở những người đã can thiệp mạnh trên da như mài mòn da hoặc lột da bằng phenol trước đó… Cải thiện tình trạng giảm sắc tố bằng cách trang điểm che vùng da bị giảm sắc tố hoặc làm sáng vùng da xung quanh để giảm bớt sự tương phản về màu sắc.

8/ Sẹo phì đại

Sẹo phì đại là một biến chứng hiếm gặp của tái tạo bề mặt da bằng laser. Các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển sẹo gồm kỹ thuật kém, sử dụng các thông số laser không phù hợp, bắn chồng xung hoặc số lần chiếu laser quá nhiều. Một số vị trí giải phẫu như vùng hàm dưới và phía trước cổ dễ bị sẹo hơn và cần được điều trị thận trọng hơn. Nhiễm trùng vết thương hoặc viêm da tiếp xúc sau tái tạo bề mặt da cũng có thể để lại sẹo. Ngoài ra, việc sử dụng isotretinoin gần đây, xạ trị trước đó và tiền sử sẹo lồi làm tăng nguy cơ để lại sẹo cho bệnh nhân.

Ngày viết: